Ngày 11/7, TAND TP Hà Nội đưa vụ án "chuyến bay giải cứu" ra xét xử. Có 54 bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 1 tháng, dưới sự điều hành của HĐXX do thẩm phán Vũ Quang Huy làm chủ tọa. Thực hành quyền công tố có 9 kiểm sát viên. Hơn 100 luật sư đã đăng ký bào chữa tại phiên tòa.
Theo cáo trạng, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng chống dịch. Việc này được phụ trách bởi Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số Bộ, ngành còn địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.
Một "chuyến bay giải cứu" đưa công dân Việt Nam về nước. (Ảnh minh hoạ) |
Cáo buộc của Viện kiểm sát cho thấy, người nhận hối lộ nhiều tiền nhất là Phạm Trung Kiên - nguyên thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế với hơn 250 lần nhận tổng số tiền hơn 42 tỷ đồng. Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) nhận 49 lần với số tiền hơn 27 tỷ đồng. Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) nhận 32 lần, tổng số trên 25 tỷ đồng…
Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Văn Hưng từng là điều tra viên trong vụ án này nhưng sau đó Hưng bị khởi tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trở thành bị cáo trong vụ án.
Cụ thể, Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc và Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Tổng giám đốc công ty Bluesky trong quá trình xin cấp phép chuyến bay và cách ly đã đưa hối lộ cho một số cá nhân có thẩm quyền.
Cuối tháng 1/2022, khi biết vụ án đang bị điều tra, Hằng gặp Nguyễn Anh Tuấn (cựu Phó giám đốc Công an TP Hà Nội) tại nhà của Tuấn.
Hằng nhờ Tuấn tìm người giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự. Nguyễn Anh Tuấn điện thoại hỏi Hoàng Văn Hưng, là điều tra viên thụ lý chính vụ án. Tuấn nhờ Hưng giúp Hằng và Sơn không bị xử lý hình sự và được Hưng đồng ý.
Nguyễn Anh Tuấn sắp xếp cho Hằng gặp Hưng tại nhà của Tuấn. Hưng hướng dẫn Hằng theo hướng: Khi làm việc với cơ quan điều tra, Hằng sẽ nhận hết trách nhiệm về mình để được hưởng khoan hồng của pháp luật. Do việc đưa hối lộ, xin chủ trương cấp phép chuyến bay và xin chủ trương cách ly chủ yếu do Hằng thực hiện, nên Hằng không thể né tránh trách nhiệm.
Còn đối với Sơn, Hưng hướng dẫn Sơn khai theo hướng: Nếu cơ quan điều tra hỏi thì nói tất cả do Hằng thực hiện. Sơn chỉ phụ trách tiếp khách, không biết việc Hằng đưa tiền cho bộ, ban ngành.
Cũng tại cáo trạng vụ án, Viện KSND tối cao xác định bị can Phạm Trung Kiên, thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Đỗ Xuân Tuyên đã nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng của 18 cá nhân là đại diện doanh nghiệp và một số "khách lẻ".
Kiên có nhiệm vụ tiếp nhận, trình lên ông Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời liên quan đến việc cho ý kiến xét duyệt các chuyến bay theo đề nghị của Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Khi nhận được văn bản của cơ quan chức năng xin ý kiến về chuyến bay, ông Đỗ Xuân Tuyên sẽ phân công Cục Y tế dự phòng, trong đó, Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm là đơn vị nghiên cứu đề xuất.
Khi có kết quả xử lý văn bản, Cục Y tế dự phòng duyệt dự thảo văn bản trả lời Bộ Ngoại giao, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị chức năng thông qua Phạm Trung Kiên. Bị can này sẽ trình ông Đỗ Xuân Tuyên duyệt, ký văn bản trả lời.
Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Phạm Trung Kiên đã yêu cầu đại diện các doanh nghiệp, cá nhân chi tiền từ 50 đến 200 triệu/chuyến bay hoặc từ 500.000 đồng đến 2triệu/khách với chuyến bay combo hoặc từ 7 đến 15 triệu/khách lẻ. Tổng cộng, từ tháng 2 – 12/2021, Phạm Trung Kiên nhận hối lộ 253 lần, tổng cộng 42,6 tỷ đồng.