Tại các siêu thị, điện máy lớn ở Hà Nội, dù đã đưa ra rất nhiều chương trình đại hạ giá, khuyến mãi nhưng vẫn đìu hiu vắng khách. Thang cuốn ngừng hoạt động, các sản phẩm cũng tắt gần hết chỉ khi có khách xem mới bật.
Mặt hàng nào cũng giảm giá mạnh, từ tivi đến tủ lạnh, điều hòa, máy giặt... Sản phẩm giá giảm nhiều nhất là tivi các loại. Nhiều mẫu tivi 4K, 8K, Qled, Oled của các thương hiệu Samsung, LG, Sony,... đang giảm giá hàng chục triệu đồng. Nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn như Samsung, LG, Toshiba... giá giảm từ 10-50%. Một số mẫu điều hòa bình dân công suất tầm trung 12.000 BTU hạ giá còn 6-9 triệu đồng, còn dòng điều hòa công suất lớn từ 21.000 BTU giảm về mức 19-30 triệu đồng.
Các hàng bày mẫu giảm giá mạnh nhất, sau đó là các sản phẩm mà nhà sản xuất sau khi xuất hàng cho siêu thị là xuất luôn giấy bảo hành đã hết hạn bảo hành mà chưa bán được. Sau đó là các mặt hàng lỗi mốt như vi 4K, các mặt hàng sản xuất từ những năm trước còn lại, các mặt hàng ít khách mua...
Hàng loạt các chương trình như “giảm giá sốc”, “cơn lốc quà tặng”, “đại hạ giá”, “giảm giá không phanh”,... nhằm thu hút sự chú ý của khách hàng, nhưng cũng không hiệu quả.
Việc vắng khách sau cơn đại dịch là điều dễ hiểu vì người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Đa phần nhu cầu về hàng điện máy thường gắn liền với thị trường bất động sản. Nếu có nhiều người mua nhà mới, sẽ tăng mua sắm trang thiết bị trong nhà nhưng hiện giờ thị trường nhà đất cũng gần như đóng băng.
Không những thế, hàng đã bán chậm lại bị cạnh tranh bởi các kênh bán hàng online, có lợi thế chi phí thấp, do không phải thuê mặt bằng lớn, ít nhân viên,... nên càng khó khăn hơn.
Một số siêu thị điện máy đã bán thêm các sản phẩm mới như gạo, đường, dầu ăn, muối, bột ngọt, mì gói, thực phẩm chế biến đóng hộp, nước rửa tay, nước rửa chén bát, xịt phòng...
Các siêu thị không mở thêm cơ sở mới, đóng cửa một số cơ sở cũ, cắt giảm nhân viên, hàng tồn kho tăng cao. Những siêu thị điện máy lớn hiện đang tồn kho sản phẩm trị giá hàng nghìn tỷ đồng, dư hàng để bán trong hơn 1 năm nữa mà không cần nhập thêm. Doanh số sụt giảm mạnh, chi phí hoạt động vẫn cao thì khó tránh khỏi thua lỗ.
Các siêu thị đều đưa ra kế hoạch sẽ tiếp tục cắt giảm chi phí, đóng cửa những điểm bán không hiệu quả, đẩy mạnh kênh bán hàng online và tung ra những chương trình giảm giá sốc, để nhanh chóng giải phóng hàng tồn kho. Nếu vẫn khó khăn, sẽ tiếp tục cắt giảm lao động, giảm lương.