Trong buổi họp báo sáng 8/6, Đại sứ EU tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti cho biết,hiệp định EVFTA sẽ có lợi nhiều mặt cho Việt Nam tuy nhiên vẫn có nhiều thách thức nằm ở việc thực thi hiệp định và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) dự kiến sẽ có hiệu lực từ 1/8, 71% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không còn thuế, sau 7 năm, gần như toàn bộ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ không còn thuế.
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti nói rằng người tiêu dùng Việt Nam có thể mua nhiều hàng tiêu chuẩn cao của châu Âu với giá rẻ hơn. Nhà sản xuất có thể tiếp cận dễ dàng hơn với thị trường châu Âu vốn có sức mua lớn.
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti trong buổi họp báo sáng 8/6. Ảnh: Trọng Thuấn. |
Một nguồn lợi nữa đó là ngân sách Việt Nam có thể hưởng lợi từ GDP cao và thu thuế cao hơn, còn người lao động khi đóng góp vào tiêu chuẩn lao động cũng như môi trường cũng sẽ có thuận lợi riêng.
Ngân hàng Thế giới về tác động của EVFTA cũng đã đưa ra số liệu tính toán đến năm 2023, EVFTA sẽ tăng GDP của Việt Nam khoảng 2,4; tăng xuất khẩu khoảng 12%, trong khi đưa thêm 100.000-800.000 người ra khỏi đói nghèo. Điều này giúp các lợi ích biến động nhiều hơn, tùy vào cách hiệp định thực thi và các biện pháp cải cách của chính phủ Việt Nam.
Theo một tài liệu của phái đoàn EU tại Việt Nam về các hiệp định, lượng hàng Việt Nam xuất sang EU đã tăng 13-15% mỗi năm trong thập kỷ qua, có năm mức tăng trưởng lên tới 25%. Tuy nhiên theo đại sứ Aliberti cho biết trong giai đoạn 2001-2018, “tỷ lệ thương mại hai bên tính trên tổng thương mại toàn cầu lại giảm đi, vì vậy tiềm năng vẫn còn rất lớn”.
Ông cũng chỉ ra rằng, ngành nông nghiệp được hưởng lợi từ các điều khoản và được công nhận, cho phép sản phẩm chất lượng cao từ EU đến Việt Nam và ngược lại.
Tuy nhiên, theo ông Giorgio Aliberti, chính phủ Việt Nam phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cải thiện các quy định, áp dụng công nghệ số để tinh giản các thủ tục, trong khi doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải nâng cao chất lượng sản phẩm.
Vì các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn cao mới vào được thị trường, hiệp định EVFTA như một cơ hội cần được giành lấy, đầu tư hơn nữa vào chất lượng, nắm chắc các quy định rõ ràng hơn.
Thách thức nữa đó là rào cản phi thuế. Trong hiệp định đã có những điều khoản hướng tới gỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan, thách thức nằm sẽ ở việc thực thi cụ thể. Ông Giorgio Aliberti nói: “Kỳ vọng ở đây là sẽ không có thêm rào cản phi thuế nhằm thay thế cho việc giảm thuế. Nếu nhìn vào các hiệp định trước đây, đã không có hiện tượng đó... đây không phải vấn đề lớn, nhưng vẫn cần hai bên chú ý, không để điều đó xảy ra”.
Để tận dụng EVFTA và thu hút đầu tư, Việt Nam cần có chính sách nhiều mặt, vì “đầu tư sẽ không tới nếu chỉ giảm thuế”. Đầu tư chất lượng cao sẽ có môi trường kinh doanh tốt, thủ tục nhất quán, giải quyết tranh chấp hiệu quả.
Trong xu thế các tập đoàn có thể chuyển sản xuất để không phụ thuộc chỉ một nước, Việt Nam đang có lợi thế khi là một trong hai nước ASEAN có hiệp định thương mại với EU. Nước còn lại là Singapore không sản xuất các mặt hàng như Việt Nam, mà là một nền kinh tế dịch vụ.
Ông Giorgio Aliberti nhấn mạnh, Hiệp định EVIPA sau khi được Quốc hội Việt Nam thông qua vẫn cần được phê chuẩn ở quốc hội của các nước thành viên EU thì mới có hiệu lực. Và ông đánh giá việc này khó hoàn thành nhanh, tuy nhiên sẽ không có tác động quá lớn.
Đại sứ EU cho rằng, giải quyết tranh chấp là yếu tố quan trọng trong mọi thỏa thuận thương mại. Việt Nam về cơ bản cũng có các thỏa thuận song phương với các thành viên EU về điều này, trong khi EVIPA là hiệp định rộng hơn và bao trùm các thỏa thuận trước đây.
“Đầu tư từ nước ngoài chỉ đến nếu có hệ thống giải quyết tranh chấp rõ ràng, và đây là phần bình thường của thương mại quốc tế. Khi có các hệ thống luật pháp khác nhau, sẽ có trường hợp nhà đầu tư và chính phủ bất đồng”, ông Giorgio Aliberti nói.
Ông Giorgio Aliberti chia sẻ: "Tôi đã làm việc ở nhiều bộ phận, và có thể mất nhiều năm để các nỗ lực thành công. Nhiều khi tôi không thấy được thành quả của mình. Lần này, tôi may mắn vì đang ở Việt Nam đúng thời điểm, nhưng đây là nỗ lực chung, và tôi là một phần của nỗ lực đó”.