Sáng ngày 26/9, Cục Truyền thông Công an nhân dân (Bộ Công an) đã tổ chức tọa đàm trao đổi về các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội khóa XV.
Tại buổi tọa đàm, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông Cục Cảnh sát giao thông, cho biết, quá trình đấu giá biển số xe ô tô đã diễn ra trong 4 ngày. Sau 4 ngày đấu giá, tổng cộng có 95 biển số ô tô được đưa ra đấu giá, với tổng số tiền dự thu lên tới hơn 133 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong đó có biển số "siêu đẹp" 51K-888.88 được "đại gia" đấu giá lên tới hơn 32 tỷ đồng và 30K - 555.55 (Hà Nội) giá trúng cao nhất 14,12 tỷ đồng.
Biển số xe được trúng đấu giá hơn 32 tỷ đồng song người trúng vẫn chưa nộp tiền |
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mới có 7 người nộp tiền, với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Đại tá Nhật cho biết thêm, có một trường hợp ở Hải Phòng đã hoàn thành các thủ tục cấp biển số trúng đấu giá. Biển số xe ngũ quý 51K-888.88 trúng đấu giá cao nhất từ trước đến giờ với hơn 32 tỷ đồng song người trúng vẫn chưa nộp tiền.
Theo quy định, người trúng đấu giá phải nộp toàn bộ tiền trúng đấu giá trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có thông báo kết quả. Số tiền được trừ số tiền đặt trước và không bao gồm lệ phí đăng ký xe. Đồng thời người trúng đấu giá phải thực hiện thủ tục đăng ký xe ô tô để gắn biển số trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp văn bản xác nhận trúng đấu giá.
Ông Nguyễn Quang Nhật cũng cho biết theo quy định của Luật Dân sự, Luật Đấu giá tài sản, nghị quyết 73, nghị định 39 của Chính phủ về thí điểm đấu giá biển số ôtô, nếu trường hợp bỏ cọc thuộc trường hợp hủy đấu giá thì biển số đó sẽ được đưa lại để tiếp tục đấu giá. Cùng với đó, cá nhân bỏ cọc sẽ bị mất tiền cọc (40 triệu đồng).
Như vậy, hiện nay với các trường hợp trúng đấu giá nhưng không nộp tiền vẫn chưa có cơ chế xử phạt, ngoài chuyện mất 40 triệu đồng tiền cọc.
Theo Cục CSGT, việc người dân trúng đấu giá nhưng bỏ cọc không lấy biển số, tuy không bị xử lý nhưng sẽ gây mất thời gian và tâm lý e ngại cho những người có nhu cầu thực tế.
Cần có cơ chế xử phạt tiền người trúng đấu giá nhưng bỏ cọc
Chia sẻ trên VOV, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (giảng viên cao cấp của Học viện Tài chính) cho rằng cần có chế tài xử lý với người trúng đấu giá nhưng không nộp tiền. Theo ông Thịnh, khả năng bỏ cọc thực tế đã xảy ra trong không ít cuộc đấu giá, như trước đây ở Thủ Thiêm (TP.HCM), do đó cần có chế tài mạnh xử lý đối với cá nhân, doanh nghiệp khi bỏ cọc. Chẳng hạn ngoài việc phạt tiền cọc, có thể thêm cơ chế xử phạt số tiền 3 - 5% của tổng số tiền trúng đấu giá, cấm tham gia các cuộc đấu giá khác...
Riêng về việc quy định cá nhân hay doanh nghiệp cần chứng minh tài chính để tham gia đấu giá chỉ phù hợp với đấu giá đất đai, còn với biển số xe là không phù hợp, bởi sẽ không thể biết được cụ thể giá của biển số đó bao nhiêu để có yêu cầu.
Kết quả đấu giá ngày 15/9 ghi nhận có những mức trúng "khủng" |
Bên cạnh đó, trên diễn đàn mạng xã hội những người quan tâm đến vấn đề đấu giá biển số xe cũng tỏ ra bức xúc với việc bỏ cọc của người trúng đấu giá. Một số người cho rằng việc cố tình trả giá cao lên đến hơn chục tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng rồi bỏ cọc đã gây nhiễu loạn cuộc đấu giá, khiến những người có nhu cầu sở hữu biển số đó mất cơ hội.
Ngoài ra, cũng có người đề xuất phải có chế tài xử phạt với những người bỏ cọc để tránh trường hợp cố tình gây sự chú ý nhằm nổi tiếng, đánh bóng tên tuổi. Cũng có người đề xuất với những biển "siêu VIP", biển ngũ quý được nhiều người tham gia đấu giá thì nên tăng tiền cọc lên 500 triệu đồng để giảm tình trạng đấu giá "cho vui" nhưng không nộp tiền gây mất thời gian cho nhà nước và những người tham gia đấu giá khác.