Chỉ trong thời gian ngắn từ cuối năm 2019 đến nay, Hà Nội có hàng trăm quán sữa chua trân châu mở ra, đa số đều có lượng khách đông đúc. Đằng sau sự bùng nổ của loại kinh doanh này là mô hình nhượng quyền kinh doanh sữa chua trân châu với chi phí đầu tư tốn kém và dấu hỏi trong việc thu hồi vốn nhanh.
Hiện mỗi thương hiệu sữa chua trân châu đều có từ vài chục đến hàng trăm cửa hàng nhượng quyền. Rêng sữa chua trân châu Hạ Long đã lên đến con số hơn 130 cửa hàng chỉ trong vòng một năm. Các thương hiệu khác như sữa chua trân châu tươi YoFresh, sữa chua trân châu Hà Nội, sữa chua trân châu Quảng Ninh... cũng có con số gần 100.
Anh H. Huy, người sáng lập chuỗi thương hiệu sữa chua trân châu Hạ Long cho biết, kinh doanh sữa chua trân châu hoàn toàn không phải là trào lưu nhất thời vì đây là thức uống cần thiết, nhiều lợi ích về sức khỏe.
Kinh doanh sữa chua trân châu đang được coi là xu hướng tại Hà Nội, thị trường nhượng quyền cũng đang hấp dẫn nhiều nhà đầu tư. Theo quảng cáo, mô hình sữa chua trân châu có thể đạt lợi nhuận 40-50%, có cửa hàng lợi nhuận có thể đạt khoảng 120-150 triệu/tháng. Ước tính nếu bỏ ra khoảng 600 triệu đồng để mở một cửa hàng nhượng quyền, có thể thu hồi vốn nhanh chóng trong 4-5 tháng.
Phí nhượng quyền là khoảng 20-80 triệu đồng, chi phí đầu tư là khoảng 200-600 triệu đồng tùy địa điểm. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được mức doanh thu và lợi nhuận như quảng cáo. Nhiều người cũng thử tìm hiểu và làm, ban đầu khá tốt nhưng càng về sau càng giảm, ế khách.
Chủ thương hiệu Pizza Home, ông Hoàng Tùng cho biết nhượng quyền là con dao 2 lưỡi, có thể mở rộng phạm vi danh tiếng nhưng cũng có thể thất bại gây ảnh hưởng xấu đến thương hiệu. "Thời gian hoàn vốn từ 3-6 tháng cơ bản là những hứa hẹn không trung thực từ bên bán nhượng quyền", ông Tùng khẳng định.
Mô hình Pizza Home cũng có những cửa hàng hoàn vốn nhanh, chỉ trong thời gian 4 tháng nhưng tính trên toàn chuỗi thì định mức hoàn vốn đầu tư sau 3-6 tháng là điều bất khả.
Ông Tùng nói: "Thế nên chỉ lấy một điểm tốt nhất để làm mồi câu kéo người mua nhượng quyền là thiếu trung thực".
"Nếu bên bán nhượng quyền quảng cáo 3-6 tháng hoàn vốn, hãy yêu cầu họ đưa vào hợp đồng ký kết với điều khoản thưởng phạt rõ ràng. Tôi nghĩ không bên bán nhượng quyền nào dám ký", ông Tùng cho biết thêm.
Thị trường Việt Nam thời gian qua có một số mô hình ẩm thực theo xu hướng áp dụng nhượng quyền. Bản chất của việc này là cả ba bên cùng có lợi mới có thể bền vững. Đó là bên bán nhượng quyền, bên mua nhượng quyền và khách hàng sử dụng sản phẩm.
Ông Trần Dũng, chuyên gia marketing về ngành F&B, cho biết hiện nay nhiều thương hiệu tranh thủ bán nhượng quyền thương hiệu và bán nguyên liệu để thu tiền cho mình mà không nghĩ cho bên mua, chưa thật lòng nói hết tất cả rủi ro phải đối mặt.
"Tuy nhiên không thể đổ lỗi hết cho bên nhượng quyền, mấu chốt quyết định thành công chính là việc lựa chọn thương hiệu và vị trí phù hợp", ông Dũng nói.
Ông Dũng phân tích, vị trí đắc địa là cần thiết, tuy nhiên tìm được một địa điểm như vậy là điều không dễ. Ki thị trường dần ổn định, cơn sốt qua đi thì sẽ có sự đào thải dần. Chỉ có những thương hiệu đủ mạnh, sản phẩm tốt mới tồn tại và phát triển được.