Nhằm đảm bảo quyền lợi của hơn 3.500 chủ hộ kinh doanh đã tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sai quy định, đáp ứng yêu cầu mở rộng đối tượng tham gia mạng lưới an sinh xã hội, BHXH Việt Nam đề xuất 3 phương án nhằm tháo gỡ khó khăn, bất cập, đảm đảm chính sách an sinh cho đối tượng này.
Như Báo PNVN đã phản ánh, qua rà soát của BHXH Việt Nam, tổng số chủ hộ kinh doanh đã có quá trình tham gia và thu BHXH bắt buộc đến hết ngày 30/5/2023 là 3.567 người. Trong đó, số người đang dừng thu, tạm ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc là 1.444 người.
Số người đang tiếp tục tham gia BHXH là 1.423 người (trong đó người đang tham gia BHXH tự nguyện là 500 người; người đang tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng khác là 923 người).
Số người đã hoàn trả tiền đóng BHXH là 28 người. Số người hưởng chế độ hưu trí, tử tuất là 275 người. Số người hưởng chế độ BHXH một lần là 397 người. Số người có thời gian đóng BHXH trên 15 năm là 1.334 người.
Số chủ hộ khác họ không chấp nhận việc hoàn trả mà đều có nguyện vọng, mong muốn được ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc để được hưởng các chế độ BHXH, nhất là hưởng lương hưu khi về già sau này.
Ảnh minh họa |
Để giải quyết chế độ chính sách, đảm bảo quyền lợi cho đối tượng chủ hộ, cũng như đáp ứng yêu cầu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH Việt Nam đề xuất 3 phương án:
* Phương án 1:
Tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc, BHTN để hưởng các chế độ BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật và đưa nội dung này vào Luật BHXH (sửa đổi).
Theo phương án này, chủ hộ có thời gian đăng ký đóng BHXH bắt buộc, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ năm 2003 đến nay, nếu đã đóng BHXH bắt buộc, BHTN đầy đủ thì được ghi nhận thời gian làm căn cứ hưởng các chế độ BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật.
Đồng thời bổ sung vào dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định chủ hộ thuộc Hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Các trường hợp chủ hộ đã tham gia, đóng BHXH bắt buộc, BHTN trước thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành được tính để hưởng các chế độ BHXH,
Theo BHXH Việt Nam, trên thực tế, về bản chất chủ hộ cũng chính là người lao động trực tiếp thực hiện các công việc sản xuất, kinh doanh, hưởng tiền công, thu nhập như người lao động khác trong hộ. Với nhu cầu, mong muốn rất chính đáng, nhiều trường hợp chủ hộ đã giao kết HĐLĐ, cung cấp bảng thanh toán tiền lương, tiền công và các hồ sơ khác để đăng ký, tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN và đề nghị được cấp sổ BHXH, thẻ BHYT để được hưởng các chế độ khi bị suy giảm khả năng lao động, bị ốm đau, hoặc khi về già không còn khả năng lao động. Cơ quan BHXH địa phương đã thực hiện BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đảm bảo phù hợp quy định của pháp luật từng thời kỳ, đây là việc làm cần được khuyến khích và ghi nhận.
Trong quá trình thực hiện, nhiều chủ hộ cũng đã được giải quyết hưởng các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất và BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp, được thanh toán chế độ BHYT phát sinh theo mức độ bệnh tật, nhóm đối tượng (nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng BHYT) trong phạm vi quyền lợi và thời gian tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh. Nếu không tính thời gian đã đóng làm căn cứ hưởng các chế độ thì sẽ phải truy thu toàn bộ số tiền đã chi trả các chế độ BHXH, BHYT, trợ cấp thất nghiệp trong thực tiễn rất khó thực hiện được. Trường hợp chỉ hoàn trả cho những người chưa được giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN thì sẽ không công bằng so với đối tượng đã được giải quyết hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
BHXH Việt Nam cho rằng, với Phương án này đảm bảo được nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định tại Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm; kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN, đặc biệt là chế độ hưu trí đối với các trường hợp đã đủ điều kiện hưởng lương hưu; các trường hợp đã đủ tuổi đời để hưởng lương hưu và có từ đủ 10 năm đóng BHXH trở lên thực hiện đóng bù BHXH tự nguyện để hưởng ngay lương hưu; giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN đối với chủ hộ.
Việc được giải quyết hưởng chế độ hưu trí để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, sẽ không phát sinh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước và tạo thuận lợi cho công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục người dân tham gia BHXH, nhằm đạt được mục tiêu bao phủ BHXH theo lộ trình, đảm bảo an sinh xã hội cho mọi người dân
Đồng thời, việc chủ hộ được ghi nhận thời gian đóng BHXH bắt buộc, BHTN, BHYT giúp người lao động ổn định cuộc sống, khắc phục khó khăn khi được bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập và được chăm sóc sức khỏe do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thất nghiệp, mở ra cơ hội sẽ có nhiều người hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu khi về già, ổn định cuộc sống lâu dài khi hết tuổi lao động, góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội bền vững theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW
Tuy nhiên, theo BHXH Việt Nam, do pháp luật chưa quy định rõ chủ hộ vừa là chủ hộ vừa là người lao động như người lao động làm việc theo HĐLĐ tại Hộ kinh doanh nên việc thực hiện tính hưởng các chế độ BHXH bắt buộc, BHTN đối với thời gian đã đóng với chức danh chủ hộ chưa có đủ cơ sở pháp lý để giải quyết.
Căn cứ thực trạng, tính chất, đặc thù của hộ kinh doanh, BHXH Việt Nam đề xuất: Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận HĐLĐ của chủ hộ với người lao động là chủ hộ có danh sách trả tiền lương, thu nhập để đóng BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, ghi nhận thời gian đã đóng BHXH bắt buộc, BHTN để tính hưởng các chế độ BHXH, BHTN đối với chủ hộ.
* Phương án 2:
Hoàn trả tiền đã đóng và thu hồi số tiền đã chi trả các chế độ BHXH bắt buộc, BHTN đối với toàn bộ các chủ hộ.
Việc giải quyết theo Phương án này thì nhiều chủ hộ đến nay đã cao tuổi sẽ không còn cơ hội và thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí nữa. Đời sống sẽ gặp nhiều khó khăn khi về già, ảnh hưởng đến an sinh xã hội, tạo áp lực đến ngân sách nhà nước khi phải trợ cấp xã hội khi họ cao tuổi. Có thể phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại kéo dài như thời gian vừa qua.
Đặc biệt, phương án này không có sự đồng thuận từ chủ hộ, có thể phát sinh nhiều khiếu kiện, khiếu nại kéo dài...
* Phương án 3:
Tính thời gian đã đóng BHXH bắt buộc, BHTN để hưởng các chế độ BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật đối với Chủ hộ và đưa nội dung này vào Luật BHXH (sửa đổi) như Phương án 1.
Đối với trường hợp Chủ hộ muốn thay đổi nguyện vọng có nhu cầu hoàn trả thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả số tiền đã đóng BHXH vào quỹ hưu trí và tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN nhưng chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Qua 3 phương án, BHXH Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án 1. Với Phương án này đảm bảo được nguyên tắc đóng - hưởng theo quy định tại Luật BHXH và Luật Việc làm; kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN, đặc biệt là chế độ hưu trí đối với các trường hợp đã đủ điều kiện hưởng lương hưu; các trường hợp đã đủ tuổi đời để hưởng lương hưu và có từ 10 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên, thực hiện đóng bù BHXH tự nguyện để hưởng ngay lương hưu.
Đồng thời giải quyết triệt để những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện BHXH bắt buộc, BHTN, đảm bảo đầy đủ quyền lợi an sinh xã hội đối với chủ hộ, việc được giải quyết hưởng chế độ hưu trí để ổn định cuộc sống khi hết tuổi lao động, sẽ không phát sinh đơn thư khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội; đồng thời củng cố niềm tin của người dân vào chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.