Dịch corona ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu ảnh hưởng nhiều nhất đến thị trường Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm, khiến kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này giảm mạnh 44%. xuất khẩu sang EU cũng giảm mạnh 20%, các thị trường khác như ASEAN, Hàn Quốc giảm lần lượt 4% và 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại dịch COVID 19 đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến rất nhiều lĩnh vực kinh tế như giao thông vận tải, du lịch, bán lẻ, thị trường chứng khoán, chuyển phát nhanh, logistics, do vậy hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu thủy sản cũng không tránh khỏi ảnh hưởng ít nhất cho đến hết nửa đầu năm 2020. Không chỉ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng mà xuất khẩu sang các thị trường khác cũng bị tác động.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản dự báo việc đóng cửa các cửa khẩu do dịch COVID 19 có thể làm giảm ít nhất 20% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc trong 3 tháng đầu năm.
xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm 2020 (triệu USD) | ||
SẢN PHẨM | Từ 1/1 – 29/2/2020 | So với cùng kỳ 2019 (%) |
Tôm | 383,391 | +2,6 |
trong đó: - Tôm chân trắng | 268,205 | +9,0 |
- Tôm sú | 73,057 | -19,4 |
Cá tra | 210,317 | -32,1 |
Cá ngừ | 94,497 | -2,6 |
trong đó: - Cá ngừ mã HS 16 | 41,361 | +1,7 |
- Cá ngừ mã HS 03 | 53,136 | -5,8 |
Cá các loại khác | 203,588 | -4,8 |
Nhuyễn thể | 79,281 | -22,6 |
trong đó: - Mực và bạch tuộc | 65,874 | -26,4 |
- Nhuyễn thể hai mảnh vỏ | 12,901 | +0,8 |
Cua, ghẹ và Giáp xác khác | 20,447 | +33,3 |
TỔNG CỘNG | 991,521 | -10,8 |
Nhu cầu tiêu thụ giảm (chuỗi McDonald đóng cửa hàng trăm cửa hàng, ảnh hưởng tiêu thụ cá phi-lê; các nhà hàng, chuỗi ẩm thực vắng khách dẫn đến giảm nhu cầu đối với thủy sản ...).
Hoạt động trao đổi, thương mại bị gián đoạn do hệ thống vận tải bị đảo lộn. Sự gián đoạn vận chuyển đường biến đang gây gáp lực lớn đối với các hãng tàu biển trên thế giới khi họ phải vật lộn ở các thị trường yếu hơn, chi phí cao hơn từ những quy định mới của Tổ chức IMO về nguyên liệu có hàm lượng lưu huỳnh thấp.
Hệ thống giao dịch ngân hàng cũng bị tạm ngưng, nhiều khách hàng không thể sang Việt Nam theo lịch trình. Không chỉ hoạt động giao thương cá tra Việt Nam qua đường tiểu ngạch mà cả đường chính ngạch sang Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn trong 2 tháng đầu năm.
Xuất khẩu cá tra bị ảnh hưởng mạnh nhất
Trung Quốc là thị trường lớn nhất nhập khẩu cá tra Việt Nam, chiếm 35% xuất khẩu cá tra Việt Nam nên dịch Covid 19 gây ảnh hưởng rất lớn. Hệ thống bán lẻ, siêu thị đình trệ, hệ thống giao nhận bị tắc nghẽn nên xuất khẩu sang thị trường này bị sụt giảm mạnh 52% trong 2 tháng đầu năm. Tổng xuất khẩu cá tra 2 tháng qua đạt 210 triệu US, giảm 32%, không chỉ giảm mạnh tại Trung Quốc mà xuất sang Mỹ cũng giảm 27%, sang EU giảm 40%, các nước ASEAN giảm 19%.
Theo dự đoán của một số doanh nghiệp cá tra, sang tháng 4, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc có thể phục hồi 50%, tháng 5 hồi phục 70% và đến tháng 6 mới có thể hồi phục hoàn toàn 100%.
Dịch COVID-19: Xuất khẩu thủy sản giảm ở tất cả các thị trường. |
Đối với thị trường châu Âu, chưa có tác động rõ ràng đối với kết quả 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, cá tra chủ yếu bán cho hệ thống bán lẻ chứ không phải là phân khúc dịch vụ thực phẩm, do đó thị trường là cơ hội cho ngành cá tra khôi phục lại, nhất là sau khi EVFTA có hiệu lực.
Ngoài ra, ngành cá tra có thể tận dụng thực tế năm nay, cá minh thái pollock tăng giá tăng, các nhà máy chế biến EU có thể sẽ cân nhắc thay thế một phần cá thịt trắng bằng cá tra với điều kiện Việt Nam đẩy mạnh truyền thông, quảng bá mạnh để thay đổi ấn tượng về hình ảnh con cá tra trên thị trường EU để có thể cạnh tranh với cá pollock, thay thế một phần nguyên liệu cá thịt trắng khi mà thuế nhập khẩu giảm từ 5% xuống 0%. Ngoài ra sản phẩm cá tra nếu được kiểm soát chất lượng tốt, đẩy mạnh chế biến hàng GTGT thì vẫn có thể có giá tốt trên thị trường châu Âu, khi kênh tiêu thụ tại một số thị trường hồi phục lại.
Tại thị trường Mỹ: Giá cá tra bị ảnh hưởng do giá nguyên liệu xuống nhưng sản lượng tiêu thụ năm nay dự báo sẽ tốt hơn 2019 vì tồn kho đã hết. Dịch bệnh ở Mỹ dù lan rộng nhưng cá tra vẫn có thể đứng vững trên thị trường Mỹ. Nhà máy Trung Quốc bị đóng cửa, sản lượng cá pollock đưa sang Mỹ giảm, nên cá tra có cơ hội thay thế trên thị trường này
Diện tích nuôi giảm nên sản lượng cá tra năm 2020 có thể giảm 10 – 20%. Dự kiến xuất khẩu quý III, quý IV tăng nhẹ, nên có thể sẽ thiếu cá vào năm sau, đặc biệt là quý I/2021.
Tôm: Nhu cầu ổn định tại Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, giảm mạnh ở Trung Quốc, EU
Tính đến hết tháng 2, xuất khẩu tôm vẫn tăng nhẹ 2,6% đạt 383 triệu USD, chủ yếu nhờ thị trường Nhật Bản vẫn ổn định, nhập khẩu vẫn tăng 16%, trong khi xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 37%, sang EU giảm 15%.
Tại thị trường Mỹ, nhu cầu giao dịch tập trung cho phân khúc siêu thị, nhưng hiện nay tôm Ấn Độ và Ecuador cũng đang bán khá mạnh vào Mỹ với giá thấp hơn, do họ không xuất khẩu được đi Trung Quốc, do vậy doanh nghiệp tôm khó thu mua được tôm nguyên liệu với giá hợp lý để cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador.
Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc bị tác động mạnh nhất do dịch trầm trọng. doanh nghiệp đang chờ đợi và hy vọng qua tháng 3, đến tháng 4 xuất khẩu tôm sang Trung Quốc sẽ khôi phục trở lại và sẽ tập trung xuất chính ngạch đường biển để ổn định.
Thị trường Hàn Quốc chưa bị ảnh hưởng trong 2 tháng đầu năm nhưng sẽ phải chịu tác động khá dài. Nếu ngành tôm duy trì sản xuất ở mức độ chấp nhận được, dự trữ một phần cầm cự ít nhất đến tháng 6 thì hy vọng xuất khẩu sang thị trường này sẽ ổn định.
Thị trường EU đáng lo ngại hơn cho doanh nghiệp tôm, dù nhu cầu có nhưng bùng phát dịch như hiện nay, doanh nghiệp chưa thể có kế hoạch cụ thể nào ngoài việc chờ đợi.
Hiện nay chưa vào vụ chính, nguyên liệu tôm bị thiếu, doanh nghiệp không mua được tôm nguyên liệu với giá mong muốn. Trong tình hình này, ngành tôm chờ sự hồi phục của các thị trường trọng điểm.
Các doanh nghiệp tôm hiện tập trung vào 2 giải pháp căn bản: Phân bổ tài chính, nguồn lực để có thể vượt qua thời gian cầm cự này cùng người nuôi, khách hàng, đảm bảo đơn hàng. Cân đối lại cơ cấu thị trường, không tập trung vào một số thị trường như trước đây, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hải sản: Thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu
Xuất khẩu hải sản 2 tháng giảm 7%, giảm mạnh nhất là mực bạch tuộc, cá ngừ, chủ yếu do thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Dịch corona ảnh hưởng mạnh đến sản xuất xuất khẩu của doanh nghiệp hải sản. Nhiều doanh nghiệp hải sản hiện nay chỉ hoạt động cầm chừng để duy trì công ăn việc làm cho công nhân, vì đơn hàng xuất khẩu bị giảm hoặc bị hủy.
Đối với thị trường Châu Âu hiện nay dù chiếm 9% thị phần xuất khẩu hải sản khai thác nhưng nhu cầu vẫn cao. Nguyên liệu cá ngừ trên thế giới đang khan hiếm do sản lượng đánh bắt không tốt, giá nguyên liệu đang tăng. Hiện tại doanh nghiệp phải mở rộng phạm vi tìm kiếm thêm nguyên liệu sang các nước và khu vực khác để tăng thêm nguồn nguyên liệu đầu vào.
Nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do nhiều hãng tàu thu hẹp lượng tàu (các tàu thường ăn hàng tại các cảng Trung Quốc) và bỏ chuyến nên hành trình của tàu về Việt Nam hoặc đi từ Việt Nam sang các nước khác (kể cả đi Mỹ hay EU...) ảnh hưởng đến giao hàng của doanh nghiệp. Một số hãng tàu thông báo áp phí thay đổi cảng chuyển tải , tăng cước phí và lịch tàu cũng không ổn định.
Hiện nay nhu cầu hải sản có xu hướng giảm ở các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, chỉ có châu Âu có nhu cầu nhiều về phân khúc đồ hộp. Một số doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản xuất đồ hộp vì đón nhận được xu hướng nhu cầu của châu Âu và ưu đãi từ EVFTA.
Nếu dịch bệnh diễn biến doanh nghiệp hải sản nhận định trong thời gian ngắn (tới tháng 5/2020) sẽ có những khó khăn về vốn vì liên quan đến dự trữ hàng, khó khăn về nguyên liệu vì không đủ cho sản xuất-xuất khẩu.
Trong khi các thị trường chủ lực đang biến động, nếu người nuôi tôm cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn cầm cự này bằng cách duy trì nuôi ở mức độ nào đó, để cầm cự đến tháng 6-tháng 7 khi thị trường hồi phục, thì ngành tôm vẫn có nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu, bù đắp sụt giảm những tháng đầu năm. Người nuôi cần được tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ để có biện pháp duy trì nuôi như kéo dài thời gian hoặc thả giống thưa hơn…hoặc một số biện pháp khác ể cầm cự để giữ ổn định nguyên liệu.
Đối với cá tra, không lo ngại về nguyên liệu, nhưng chúng ta nên tiếp cận việc đánh số vùng nuôi hoặc đưa ra các điều kiện nuôi cá tra hoàn chỉnh hơn để chuẩn bị cho năm 2021 tốt hơn, đặc biệt liên quan đến chương trình thanh tra của FSIS vì hiện nay chúng ta phải làm việc với Mỹ về cơ sở nuôi đủ điều kiện, đảm bảo khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ sau dịch vẫn tốt. Việc xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua thương lái, gia công sẽ hạn chế, như vậy thị trường này cũng sẽ ổn hơn thông qua xuất khẩu chính ngạch, như vậy ngành cá tra sẽ ổn định không bị dư thừa hay thiếu hụt. Năm 2020 chắc chắn không thiếu nguyên liệu cá tra nhưng năm tới có thể thiếu nên phải tập trung từ năm nay để ổn định thị trường.
Đối với ngành hải sản: Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, sản xuất quy mô thấp, nếu cầm cự được phải có phương án tài chính tốt hơn, vì vậy doanh nghiệp hải sản nói riêng, doanh nghiệp thủy sản nói chung rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về nhu cầu về vốn: hỗ trợ cho kéo giãn thời gian nợ, giảm lãi suất, hỗ trợ dự trữ nguyên liệu, nhập khẩu nguyên liệu cũng như giảm tải các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp…