• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Điều trị cho bệnh nhân Covid tốn hàng tỷ đồng

Năm ngoái, "bệnh nhân 91" từng ghi nhận mức viện phí kỷ lục với 3,5 tỷ đồng trong 65 ngày...

Bác sĩ Diệp Hồng Kháng (Trưởng Khoa Hồi sức và điều trị bệnh nhân nặng, Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, một bệnh nhân nằm điều trị hồi sức sẽ tốn kém vì các danh mục kỹ thuật đều cao giá, nhất là khi phải can thiệp ECMO (hệ thống oxy màng ngoài cơ thể).

Để thiết lập ECMO phải đặt màng lọc. Tùy từng loại, màng lọc sẽ có những mức giá khác nhau, dao động 80-150 triệu đồng.

Điều trị cho bệnh nhân Covid tốn hàng tỷ đồng

Bệnh nhân ECMO đòi hỏi đội ngũ nhân lực phục vụ lớn, phải có ba ê kíp theo dõi một ngày với gói theo dõi chăm sóc mỗi 8 giờ, mỗi gói khoảng 1,2 triệu đồng, bao gồm các khoản chi phí như bông băng, thuốc sát trùng, tiền công y bác sĩ...

Bệnh nhân phải dùng các chẩn đoán hình ảnh như X-quang, siêu âm và xét nghiệm thường xuyên để đánh giá tình trạng, có chỉ định điều trị phù hợp.

Thượng tá, bác sĩ Vũ Đình Ân (Phó chủ nhiệm Khoa Hồi sức Tích cực, kiêm Phó giám đốc Trung tâm điều trị Covid-19, Bệnh viện Quân y 175) cho biết chi phí liên quan ECMO - hình thức hồi sức dành cho các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng. Bệnh viện 175 đến nay thực hiện 12 ca ECMO trên tổng số gần 2.000 ca nhập viện. Trong số 5 ca đã xuất viện, chỉ một bệnh nhân viện phí khoảng 900 triệu đồng, còn lại đều trên một tỷ.

Bệnh Thanh Thảo vừa xuất viện chiều 20/10 chi phí cao nhất với số tiền hơn 2,3 tỷ đồng cho 86 ngày điều trị, trong đó 61 ngày can thiệp ECMO. Đây là trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên can thiệp ECMO tại viện.

Sản phụ rối loạn đông máu nặng, đối diện với nhiều nguy cơ trong quá trình điều trị. Sau khi tình trạng cải thiện tốt, cai máy ECMO lần đầu sau 15 ngày vào hôm 11/8 thì vài giờ sau, chị suy hô hấp nặng phải đặt máy trở lại thêm 46 ngày.

Bệnh nhân phải thay màng lọc 4 lần với hơn 420 triệu đồng. Trong 61 ngày dùng máy, ước tính số tiền cho gói theo dõi chăm sóc hàng ngày khoảng 200 triệu đồng. Bệnh nhân đông đặc phổi nghiêm trọng, tắc mạch phổi, suy đa tạng, phải sử dụng thêm máy thở, lọc máu liên tục rất tốn kém, với tổng số tiền thủ thuật hơn 330 triệu, hơn 50 triệu tiền dịch lọc thận... Tổng cộng là gần 90 triệu đồng xét nghiệm, hơn 8 triệu đồng chẩn đoán hình ảnh.

Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm trùng rất nặng (nhiễm cùng lúc 4 loại vi khuẩn đa kháng) và nhiễm nấm.Tổng số tiền thuốc, bao gồm cả truyền máu tốn hơn 1,25 tỷ đồng.

Thượng tá Nguyễn Hùng Cường (Phó phòng Tài chính, Bệnh viện Quân y 175) cho biết, theo quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị Covid-19 sẽ được ngân sách nhà nước chi trả toàn bộ những dịch vụ kỹ thuật, thuốc liên quan Covid-19.

Riêng những khoản điều trị các bệnh nền đi kèm, không liên quan Covid-19, người sử dụng bảo hiểm y tế sẽ được thanh toán như bình thường theo định mức chi trả của khung giá bảo hiểm, còn lại bệnh nhân phải đóng; những khoản khác như tã, sữa, đồ ăn thêm... thì người nhà phải đóng tiền hoặc mua gửi vào.

Hiện nay, nhà nước thanh toán tiền ăn cho bệnh nhân Covid-19 là 80.000 đồng một ngày, Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ thêm 40.000 đồng. Việc thanh quyết toán cho những bệnh nhân Covid-19 mà đặc biệt là những người phải can thiệp những kỹ thuật cao và hàng loạt chi phí bảo đảm hậu cần kỹ thuật, đang là một áp lực lớn với các nhà quản lý.

Thiếu tướng, Phó giáo sư Nguyễn Hồng Sơn (Giám đốc Bệnh viện Quân y 175) cho biết viện phí chỉ là mức giá thống kê theo quy định trên thực tế để điều trị những bệnh nhân nguy kịch. Điều không thể tính toán hết được là sự dốc sức ngày đêm của các y bác sĩ. Mỗi ca can thiệp ECMO đều đòi hỏi phải huy động lực lượng hùng hậu hàng chục y bác sĩ vào cuộc, túc trực 24/24. Ngoài ra còn có chi phí liên quan hậu cần kỹ thuật, xử lý nước, rác thải, vật tư tiêu hao... bệnh viện tự trang trải.

Chiều 22/10, báo cáo trước Quốc hội về công tác quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay việc thanh toán khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với bệnh nhân Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do không thể bóc tách chi phí điều trị bệnh Covid-19 (do ngân sách nhà nước chi trả) và điều trị bệnh nền, các bệnh khác (do quỹ bảo hiểm chi trả). Nhiều trường hợp bệnh nhân đã tử vong hoặc không liên hệ được người nhà, nên không thể thanh toán chi phí đồng chi trả.

Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán toàn bộ chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật