Ông Trần Văn Phẩm, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex), cho biết dù đã chi nhiều chi phí thuê khách sạn cho cán bộ và công nhân nhưng công ty cũng chỉ hoạt động cầm chừng. Tong tháng 8 này, Stapimex tập trung sản xuất cho các đơn hàng cũ.
Theo ông Phẩm, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp thủy sản khi tham gia “3 tại chỗ” là môi trường làm tôm ướt, ẩm, hôi tanh, không giống như doanh nghiệp khác.Chủ tịch HĐQT Stapimex khẳng định trả lương bằng và cao hơn bình thường.
Đại diện Công ty TNHH Kim Anh, chuyên chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tại Sóc Trăng, cũng khẳng định số lượng công nhân tham gia sản xuất tại doanh nghiệp chỉ còn khoảng 30-40%. Tâm lý công nhân không được an tâm khi sống xa gia đình trong thời gian dài.
Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) Hồ Quốc Lực cũng thở dài vì một số đơn hàng đã bị kéo dài thời gian giao. Theo ông Lực, nếu kéo dài “3 tại chỗ”, các doanh nghiệp chế biến càng khó khăn do lao động sẽ bỏ về và chi phí quá lớn.
Chia sẻ với Zing, Chủ tịch Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) Trần Như Tùng cho biết khi các địa phương bắt đầu giãn cách xã hội và thực hiện “3 tại chỗ”, doanh nghiệp bắt đầu gặp khó khăn trong vấn đề xuất khẩu. Lực lượng lao động ở TP.HCM về quê rất nhiều trong thời gian vừa qua.
Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (TCM) cho biết chi phí duy trì 3 tại chỗ tại doanh nghiệp rất lớn mà tự chi trả, dù chưa biết hiệu quả ra sao nhưng ông Tùng khẳng định phương án này vẫn tốt hơn việc đóng cửa nhà máy.
Công ty Sợi Thế Kỷ thì gặp khó khăn ở khâu logistics, từ vận chuyển hàng hóa, mua hàng thực phẩm phục vụ công nhân ở lại nhà máy, các loại giấy tờ… Chi phí xét nghiệm cho lái xe tăng lên và các thủ tục phức tạp nên các xe giao hàng chạy không có lời, ảnh hưởng đến tiến độ.
Mới đây, 2 đơn vị chuyên gia công cho thương hiệu giày Nike là Pouyuen Việt Nam và Changshin Việt Nam phải tiếp tục thông báo tạm dừng hoạt động.
Trao đổi với Zing, ông Kim Vĩnh Cường, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam cho biết trong thời gian tiếp tục tạm dừng sản xuất, công ty vẫn thực hiện chi trả theo mức lương tối thiểu vùng cho người lao động.
Theo đó, đại diện này cho biết công nhân nghỉ từ ngày 2/8 đến ngày 6/8 sẽ được hưởng 100% mức lương tối thiểu vùng, tức 170.000 đồng/ngày. Từ ngày 7-16/8, sẽ được hưởng 50% theo mức lương tối thiểu vùng, tức 85.000 đồng/ngày.
Theo Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (Lefaso), tại các doanh nghiệp còn hoạt động, sản xuất gặp khó khăn do phải giảm 50% số lao động làm việc.
Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu công nghiệp TP.HCM cho biết thực tế hiện nay các doanh nghiệp tại TP.HCM đang rất cố gắng để duy trì sản xuất bởi nếu ngừng hoạt động trong thời điểm này, khi hoạt động lại sẽ rất khó để phục hồi và lấy lại thương hiệu.