Theo đó, TP.HCM đang có hơn 87.000 F0 đã hoàn thành thời gian cách ly, trong đó có 54.000 người trong độ tuổi lao động.
Hiện hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM còn đang diễn biến phức tạp, lực lượng tham gia hỗ trợ tại các cơ sở cách ly và các bệnh viện điều trị COVID-19 gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc F0.
Việc tham gia hỗ trợ của các trường hợp F0 khỏi bệnh góp phần tăng cường nguồn lực phòng chống dịch. UBND TP.HCM vận động F0 khỏi bệnh làm tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tăng cường nhân lực tham gia công tác phòng, chống dịch tại các đơn vị, cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tại TP.HCM.
Các đơn vị, cơ sở y tế, bệnh viện điều trị COVID-19 bố trí công việc phù hợp với sức khỏe tình nguyện viên, trang bị đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Tình nguyện viên được hưởng các chế độ phụ cấp chống dịch và hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt theo đúng quy định.
Đối tượng là các F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly 14 ngày tại nhà theo quy định của Bộ Y tế, tự nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch.
Đủ sức khỏe lao động, đang trong độ tuổi lao động, không trong thời gian mang thai hoặc nghỉ hậu sản.
Có kháng thể virus SARS-CoV-2 đối với người F0 khỏi bệnh trong vòng 6 tháng hoặc đã tiêm vắc xin đối với người F0 khỏi bệnh hơn 6 tháng.
Thời gian tiếp nhận từ ngày 10/9 đến ngày 31/12. Các tình nguyện viên đăng ký tại Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế TP.HCM, số điện thoại: 0907574.269 hoặc 02839209967.
Các tình nguyện viên sẽ được tập huấn về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm, quy trình chăm sóc người bệnh, theo báo Vietnamnet.
Sở Y tế sẽ chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu từ các đơn vị, cơ sở y tế, bệnh viện điều trị COVID-19, báo cáo UBND TP về nhu cầu tuyển dụng.
Triển khai xét nghiệm kháng thể virus SARS-CoV-2 cho tình nguyện viên, khám sức khỏe, tổ chức tập huấn phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm và quy trình chăm sóc người bệnh cho tình nguyện viên. Tổ chức điều phối lực lượng khi đã tiêm nhận tình nguyện viên.
TP.HCM đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức báo cáo bằng văn bản kết quả xét nghiệm trên địa bàn và đánh giá phân loại lại vùng nguy cơ theo tổ dân phố, tổ nhân dân trước 12h ngày 6/9.
Đồng thời, tiếp tục triển khai xét nghiệm liên tục. Từ nay đến ngày 15/9, tiến hành xét nghiệm vòng 3 theo hộ gia đình tại các vùng đỏ, vùng cam.
Ở những vùng này, thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh mẫu gộp (2-3 người/test/hộ gia đình) hoặc xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo hộ gia đình (toàn bộ thành viên trong 1 hộ gia đình/1 mẫu gộp), giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh; tần suất lặp lại 2-3 ngày/lần.
Tại các vùng vàng, xanh, cận xanh thì xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp đại diện hộ gia đình, gộp 10 cho vùng xanh, cận xanh và gộp 5 cho vùng vàng. Trong đó, mẫu đại diện vòng 2 phải khác với mẫu đại diện ở vòng 1.
Nếu hộ có từ 5 người trở lên phải lấy 2 mẫu đại diện hộ gia đình. Giải gộp mẫu dương tính bằng test nhanh hoặc RT-PCR mẫu đơn; tần suất lặp lại 5-7 ngày/lần.