Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) hiện đang điều trị 428 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Trong đó, 45 trường hợp phải thở oxy, 31 người phải thở máy, 4 trường hợp thở oxy dòng cao (HFNC), 3 F0 được can thiệp ECMO và 13 ca lọc máu liên tục.
Theo bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nếu thời gian tới, cơ sở y tế này tiếp tục nhận thêm bệnh nhân từ các địa phương lân cận, số F0 diễn biến nặng và nguy kịch có thể sẽ vượt mức 100 ca sau khoảng 2 tuần.
Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) đang điều trị cho khoảng 150 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, trong đó có 11 ca diễn biến nặng, nguy kịch.
Bệnh viện điều trị Covid-19 của Đại học Y Hà Nội đang điều trị cho 134 F0, khoảng 6 ca diễn biến nặng.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc cho rằng số F0 diễn biến nặng phải nhập viện khi đó đã là mức tối đa và không tăng thêm. Nhưng với cách chống dịch mới, Việt Nam không còn giữ mục tiêu “Zero Covid-19”, số người mắc diễn biến nặng, phải tới điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vẫn đang có chiều hướng tăng.
“Nguyên nhân có thể là ngoài cộng đồng, virus vẫn đang lây lan, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng và trong đó có một tỷ lệ nhất định người diễn biến nặng. Trong khi đó, nhiều người vẫn chưa được tiêm đủ 2 mũi vaccine”, bác sĩ Phúc nhận định.
Số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại đây chủ yếu là người chưa tiêm vaccine hoặc mới tiêm một mũi khiến hệ miễn dịch của họ kém hơn, dẫn đến diễn biến nặng.
Bác sĩ Phúc cũng cho biết thời gian gần đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, ghi nhận khá nhiều bệnh nhân cao tuổi, trong đó, khoảng gần 10 trường hợp trên 80 tuổi. Một số bệnh nhân Covid-19 cũng mắc suy thận mạn, chạy thận chu kỳ...
Hà Nội đã tiêm tổng cộng 11.738.121 mũi vaccine, đạt tỷ lệ người dân trên 18 sống trên địa bàn được tiêm một liều là 101,42%, mũi 2 là 87,9%. TP cũng đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ 15-17 tuổi tại 29 quận/huyện/thị xã. Tổng số mũi tiêm Hà Nội thực hiện được đến nay là 142.038, trong đó, 141.078 liều đã được sử dụng.