Sáng 5/9, gần 23 triệu học sinh trên cả nước tham dự lễ khai giảng năm học mới 2020-2021.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lễ khai giảng năm nay có nhiều điểm “đặc biệt” so với những năm học trước.
Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng vẫn được tổ chức thống nhất trên cả nước vào sáng 5/9, với hình thức ngắn gọn, đảm bảo trang nghiêm và hướng đến học sinh. Đa số các trường chỉ thực hiện phần lễ, không tổ chức phần hội, tránh tập trung quá đông học sinh tại sân trường để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Đại biểu cùng học sinh và giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Trường Sa chụp ảnh lưu niệm trong ngày khai giảng. (Ảnh: TTXVN phát) |
Căn cứ tình hình dịch COVID-19, các địa phương có nhiều hình thức khác nhau để tổ chức khai giảng phù hợp, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng - Ngày hội toàn dân đưa trẻ đến trường.
Đối với những địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh, các cơ sở giáo dục tổ chức lễ khai giảng theo hình thức trực tuyến.
Đa số các trường trên cả nước không tập trung toàn bộ học sinh dự lễ khai giảng tại sân trường như mọi năm mà thực hiện giãn cách. Các trường đảm bảo ưu tiên cho 100% học sinh đầu cấp dự lễ khai giảng tại sân trường, các khối còn lại chỉ cử đại diện và tổ chức cho học sinh dự khai giảng tại lớp học.
Là địa phương chịu ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, học sinh Đà Nẵng dự khai giảng trực tuyến với chương trình “Đà Nẵng - Chào năm học mới."
Chương trình do Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng phối hợp với Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng thực hiện, phát sóng lúc 7 giờ sáng 5/9 trên kênh DanangTV1 và DanangTV2.
Chương trình phản ánh công tác triển khai năm học mới tại các trường học, địa phương trên địa bàn thành phố; phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục; phụ huynh và học sinh thành phố trong năm học mới; thông tin về công tác chuẩn bị cho năm học mới, truyền tải thông điệp của lãnh đạo thành phố gửi cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục, phụ huynh, học sinh thành phố.
Các trường học tại Đà Nẵng thông qua website của trường đưa thông tin đến học sinh, cán bộ giáo viên, gồm thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhân ngày khai giảng; thông điệp của trường gửi học sinh, giáo viên, cũng như hướng dẫn biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 khi các em quay lại trường học.
Theo dự báo quy mô học sinh năm học 2020-2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo dục mầm non có hơn 5,38 triệu học sinh (trong đó, nhà trẻ có gần 777.000 và mẫu giáo có hơn 4,6 triệu học sinh); giáo dục phổ thông có hơn 17,5 triệu học sinh (trong đó, tiểu học hơn 8,7 triệu; trung học cơ sở hơn 6 triệu và trung học phổ thông hơn 2,8 triệu).
Năm học mới, toàn ngành tiếp tục tập trung thực hiện chín nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Trong đó, toàn ngành tiến hành rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp; phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; đổi mới quản lý, nâng cao hiệu quả của giáo dục thường xuyên, giáo dục dân tộc; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, bảo đảm an toàn trường học; công tác giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên.
Tiếp đó, toàn ngành nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục, thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục-đào tạo; đẩy mạnh phân cấp và thực hiện tự chủ đối với các cơ sở giáo dục; hội nhập quốc tế trong giáo dục-đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục-đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Năm nhóm giải pháp cơ bản tập trung thực hiện trong năm học 2020-2021 là tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý, đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục đào tạo; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục-đào tạo; tăng cường công tác khảo thí, đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục và đẩy mạnh công tác truyền thông./.