• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gần 70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp đóng cửa vì dịch bệnh

Gần một nửa doanh nghiệp không dự tính được sẽ phải tạm đóng trong thời gian bao lâu.

Ban nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) và Báo điện tử VnExpress thực hiện khảo sát nhanh về tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Khảo sát online này được sự tham gia từ 21.517 doanh nghiệp, hộ kinh doanh.

Kết quả là 69% doanh nghiệp khảo sát (tương đương 14.890 doanh nghiệp) cho biết phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh do dịch. Đa phần là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ. 16% vẫn cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh một phần và 15% đã giải thể.

Gần 70% trong hơn 21.000 doanh nghiệp đóng cửa vì dịch bệnh

Số phải dừng kinh doanh do dịch tập trung phần lớn tại TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, đều trên 71%. Hơn 21% doanh nghiệp buộc phải đóng cửa do không đáp ứng các yêu cầu phòng dịch. Gần một nửa doanh nghiệp không dự tính được sẽ phải tạm đóng trong thời gian bao lâu. 

Số đóng cửa trong 1-3 tháng là 28,5% và khoảng 2,5% cho biết phải đóng cửa đến nửa năm và chỉ khoảng 10% đóng cửa 3-6 tháng.

Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành thuỷ sản, dịch vụ và nông, lâm nghiệp chiếm tỷ lệ giải thể cao nhất, 17%. Kế đến là công nghiệp, xây dựng lần lượt 10% và 13%. Số doanh nghiệp xây dựng phải tạm dừng kinh doanh là 76%. 

Dịch vụ là ngành có tỷ lệ lao động mất việc cao, trên 50%. Trong đó, dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi chỉ còn 4% duy trì hoạt động từ tháng 5 đến nay tiếp tục đóng băng.

Nguyên nhân khiến doanh nghiệp đóng tạm thời đóng cửa nhiều nhất là đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước. Do phong toả, giãn cách tại nhiều tỉnh, thành phố, nhiều địa phương chỉ cho phép "hàng thiết yếu" được lưu thông, các chốt chặn kiểm soát dịch được dựng lên khắp các cung đường với điều kiện lái xe, hàng hoá được lưu thông khác nhau.

Lưu thông hàng hoá vì thế bị tắc nghẽn, khiến chi phí vận chuyển tăng vọt do thời gian lưu thông tăng gấp nhiều lần và doanh nghiệp phải mất thêm khoản tiền không nhỏ từ chi phí xét nghiệm cho lái xe.

40% đơn vị tạm dừng kinh doanh vì Covid-19 cho hay chỉ đủ tiền duy trì hoạt động dưới 1 tháng.

Hộ kinh doanh là đối tượng dễ bị tổn thương nhất, với 45% cho biết có dòng tiền duy trì dưới 1 tháng. Tỷ lệ này ở công ty TNHH, cổ phần là 39,5%; doanh nghiệp Nhà nước 30%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 23,5%. 

Doanh nghiệp còn "đủ lực" để "sống" trong 1-3 tháng, khoảng 46%. Nhưng tỷ lệ này giảm dần và khả năng họ phải giải thể nếu thời gian giãn cách tại các địa phương liên tục kéo dài. Tỷ lệ doanh nghiệp đang duy trì sản xuất có dòng tiền hoạt động hơn 6 tháng là 17%.

61% doanh nghiệp ở nhóm tạm dừng hoạt động vì dịch và 50% doanh nghiệp duy trì sản xuất, nói đây là một trong 6 khó khăn lớn nhất. Ngoài ra, trả tiền lương cho người lao động cũng là áp lực rất lớn, tác động tới 71% doanh nghiệp tham gia khảo sát.

Tiền trả thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng khiến 57% doanh nghiệp tạm dừng hoạt động vì dịch gặp khó. Số này với doanh nghiệp duy trì sản xuất là 40%.

Gánh nặng tiếp theo với doanh nghiệp lúc này, là tiền bảo hiểm xã hội, y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, với khoảng 51%.

Một số khó khăn khác mà các doanh nghiệp đang đối diện, là thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu... với 30% doanh nghiệp khảo sát.

Khó khăn, buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động,với 52% doanh nghiệp dừng hoạt động do dịch và chỉ 31% doanh nghiệp đang duy trì sản xuất chọn cách này.

Bên cạnh đó, khoảng 4% nhóm doanh nghiệp duy trì sản xuất cho biết họ không cắt giảm lao động và tranh thủ tuyển thêm người.

Kết quả khảo sát cho thấy, 62% chọn hỗ trợ vay lãi suất 1-3% một năm để trả lương. 

Dừng hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cho người lao động để giữ chân họ, chờ cơ hội phục hồi. Nhu cầu tuyển lao động mới sau dịch lớn hơn, nhất là với nhóm nhân sự quản lý, kỹ thuật cao. Ngoài lương, bảo hiểm, họ còn chịu nhiều chi phí phát sinh khác để duy trì chuỗi cung ứng, giữ khách hàng, thị trường. Bình quân doanh nghiệp duy trì "3 tại chỗ" phải trả thêm khoảng 9,3 triệu đồng một tháng cho mỗi nhân viên, tức là chi phí cho lao động tăng gấp đôi.

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp được 65% doanh nghiệp duy trì hoạt động và 60% phải tạm đóng vì Covid-19, chọn lựa. 

Hỗ trợ giảm tiền điện, nước, nhiên liệu là chính sách hỗ trợ từ Nhà nước được hơn 50% doanh nghiệp chọn. Khoảng 48% doanh nghiệp duy trì sản xuất và 46% đang tạm đóng cửa vì Covid-19 chọn giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) là nhóm chính sách hỗ trợ cần thiết từ Nhà nước với họ lúc này.

VAT không phải thuế gián thu hay thuế trực thu như thuế thu nhập doanh nghiệp, tức là doanh nghiệp chỉ thu hộ Nhà nước. Dù vậy, họ vẫn mong được giảm loại thuê này để hạ giá thành hàng hóa, tăng cạnh tranh và sức cầu hàng hoá của người dân. Đồng thời muốn Nhà nước giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xuống thấp hơn. 

Ngoài các chính sách trên, gần 30% các doanh nghiệp cho là chính sách "hoãn đóng bảo hiểm xã hội từ 3-6 tháng" hoặc "giảm thuế thu nhập cá nhân" cũng là những đem lại hiệu quả cho họ.

Để duy trì đảm bảo an toàn sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp đề xuất Chính phủ có giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt. 

Doanh nghiệp cũng muốn Chính phủ nghiên cứu xây dựng thêm các mô hình sản xuất kinh doanh an toàn (như mô hình vùng xanh kinh tế) để họ chủ động lựa chọn, áp dụng trong bối cảnh việc duy trì mô hình 3 tại chỗ . 

Doanh nghiệp muốn nhà chức trách có chính sách phù hợp cho những người đã tiêm 2 mũi vaccine được trở lại làm việc; chuẩn bị, xác định phương án sống chung với dịch bệnh sau tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng 70%.

Trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Chính phủ và Bộ Công an nghiên cứu cơ chế tích hợp dữ liệu liên quan tới tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo, tầm soát y tế... và cho phép các địa phương, doanh nghiệp được kết nối, sử dụng nhằm quản lý và phân loại người lao động theo các thang đánh giá mức độ an toàn trong dịch bệnh.

Nhiều ý kiến đề xuất tăng tốc độ tiêm chủng vaccine bằng cách có cơ chế cho khu vực tư nhân tham gia vào dịch vụ tiêm, giúp phần nào san sẻ gánh nặng với các cơ sở y tế công cộng, nhanh chóng tạo miễn dịch cộng đồng, đồng thời giúp doanh nghiệp có cơ hội tái mở cửa và hoạt động lại bình thường.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật