• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia Lai sơ tán dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét

Gia Lai rà soát, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức lực lượng xung kích trực...

Do ảnh hưởng của bão số 9, tỉnh Gia Lai có 80 xã, phường, thị trấn bị mất điện. Đặc biệt, 4 huyện, thị xã ở Đông Nam tỉnh Gia Lai gồm thị xã An Khê, huyện Kbang, Kông Chro, Đăk Pơ bị mất điện hoàn toàn do hệ thống đường dây 110kV gặp sự cố. Ngay sau khi thời tiết bớt mưa, gió, trong đêm 28/10, Điện lực Gia Lai đã huy động nhân, vật lực nỗ lực khắc phục các sự cố, theo  theo TTXVN.

Công nhân Thủy điện Ia Ly kiểm tra hệ thống camera giám sát xả lũ. Ảnh minh họa: Hoài Nam/TTXVN 
Công nhân Thủy điện Ia Ly kiểm tra hệ thống camera giám sát xả lũ. Ảnh minh họa: Hoài Nam/TTXVN 

“Khi giao thông thông tuyến, mưa và gió ngừng, đảm bảo các điều kiện an toàn, chúng tôi sẽ tiến hành khắc phục các sự cố, cung cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất cho người dân” - ông Hiền cho biết thêm.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai, bão số 9 đã ảnh hưởng và gây thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tính đến ngày 29/10, tỉnh Gia Lai đã có một người chết, một người bị thương do bị tường đổ đè trúng. 8 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 357 ngôi nhà bị tốc mái, 60 hộ dân bị ngập nước.

Hai nhà giáo viên, 8 điểm trường bị tốc mái cùng nhiều hạng mục như mái hiên nhà xe, tường rào bị hư hỏng, đổ. Các công trình văn hóa bị hư hỏng, đặc biệt, tại huyện Kông Chro có 3 nhà rông bị tốc mái, hư hỏng nặng.

Ảnh hưởng nặng nề nhất do bão số 9 gây ra ở Gia Lai là ngành nông nghiệp, với 646 ha lúa bị đổ ngã, ảnh hưởng nặng nề đến năng suất, 4,2 ha rau màu, 350 ha mía, 50 ha ngô, 7 ha cây ăn trái và hơn 200 trụ tiêu, 250 cây mít đang cho thu hoạch bị đổ, gãy. Chăn nuôi, thủy sản cũng bị thiệt hại nặng.

Các công trình công nghiệp như trụ điện, trụ sở Ủy ban nhân dân xã, cây xanh khu vực trung tâm thành phố Pleiku bị gãy đổ nhiều. Các tuyến đường đèo như đèo Kon Pne (huyện Kbang) bị sạt lở nghiêm trọng.

Trước tình hình diễn biến mưa, bão hết sức phức tạp, tỉnh Gia Lai tiếp tục yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa lũ, vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện để có phương án ứng phó kịp thời.

Tỉnh rà soát, sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tổ chức các lực lượng xung kích ứng trực 24/24h tại các điểm xung yếu có nguy cơ lở đất , lũ quét , khu vực ngầm tràn để cảnh báo, hạn chế qua lại, tránh nguy hiểm cho người dân; khẩn trương khắc phục các thiệt hại ban đầu về nhà ở, trường học, trạm y tế…

Sau bão số 9, một trường học bị tốc mái trên địa bàn thị xã An Khê, Gia Lai. Ảnh: THGL
Sau bão số 9, một trường học bị tốc mái trên địa bàn thị xã An Khê, Gia Lai. Ảnh: THGL

Thị xã An Khê là địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9 và có lượng mưa lớn nhất trong ngày hôm qua. Sau khi bão số 9 đổ bộ vào đất liền và suy yếu thành vùng áp thấp, ngay trong sáng nay 29/10, thị xã An Khê đã tập trung khắc phục những thiệt hại do mưa bão gây ra.

Theo tổng hợp ban đầu của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã An Khê, dù cơn bão số 9 không gây thiệt hại về người song gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về cơ sở vật chất và hoa màu của người dân.

Trong đó: 38 nhà ở dân cư bị tốc mái; 3 trường học, 1 trạm y tế bị tốc mái, sập tường rào; 6 bè cá tại xã Xuân An bị nước cuốn trôi. Riêng về hoa màu chưa có thống kê cụ thể song theo ghi nhận của chúng tôi nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng, theo gialaitv.vn.

Trong sáng nay, 29/10 trên địa bàn thị xã An Khê không có mưa, địa phương đã huy động các lực lượng giúp đỡ các hộ dân khắc phục thiệt hại; đồng thời, vận động người dân tự khắc phục những hư hỏng nhỏ để ổn định lại cuộc sống.

(Tổng hợp)

AN LY

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật