Với kỳ vọng vào các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moscow và Kiev, cũng như khả năng nới lỏng các hạn chế đối với các nhà xuất khẩu dầu mỏ Venezuela và Iran, giúp thị trường đang khan dầu sẽ sớm được “tiếp” thêm dầu khiến giá dầu tuần qua giảm mạnh.
Có thời điểm, giá dầu giảm sâu tới 30%, nên tính bình quân giá của chu kỳ 10 ngày qua, giá mặt hàng này giảm khá mạnh.
Sau khi giá dầu Brent từng tăng lên mức đỉnh điểm 139,13 USD/ thùng vào ngày 7/3, hiện giá dầu Brent và WTI trở về mức gần 110 USD/thùng, với Brent dừng ở mức 107,9 USD/thùng, và WTI là 104,7 USD/thùng.
Tại kỳ điều hành 11/3, giá xăng tăng gần 3.000 đồng một lít lên mốc 28.980 đồng một lít với E5RON92; RON 95 là 29.820 đồng. Ảnh minh họa: LĐ |
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, tính đến ngày 17/3, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore giảm 9-12% so với đợt điều chỉnh trước đó, cụ thể giá RON92 là 120,29 USD một thùng, RON95 124,14 USD một thùng.
Do đó,nhiều doanh nghiệp kỳ vọng trong kỳ điều hành ngày mai 21/3, giá xăng có thể giảm mạnh. Theo lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở TP HCM dự đoán, kỳ điều chỉnh 21/3, giá xăng có thể giảm 1.200-1.500 đồng một lít, còn giá dầu khoảng 2.000-2.500 đồng một lít.
Theo các nhà phân tích, hiện giá dầu vẫn đang giao dịch ở mức cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất và thế giới vẫn chưa thoát khỏi rủi ro thiếu hụt năng lượng. Cho nên, kỳ điều hành ngày mai, cơ quan quản lý có thể cân nhắc sử dụng Quỹ để tránh tăng hoặc giảm "sốc". Nếu sử dụng Quỹ, xăng và dầu sẽ giảm quanh mốc 6.000-1.5000 đồng một lít.
Trước đó, để kìm giá xăng dầu, Chính phủ đề nghị giảm một nửa thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, tức giảm 2.000 đồng mỗi lít xăng, 1.000 đồng với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và 700 đồng với dầu hỏa. Nhờ đó, mỗi lít xăng dự kiến giảm 2.200 đồng (gồm VAT) và giá dầu cũng được điều chỉnh 1.100 đồng. Dự kiến việc giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ có hiệu lực từ 1/4.