Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, 5 triệu tấn lúa, gần 4 triệu tấn rau củ, 400 triệu quả trứng... của 26 tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên đang tìm cửa tiêu thụ.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thông tin, các tỉnh phía Nam, Tây Nguyên cũng đang vào mùa thu hoạch trái cây (thanh long, bưởi, nhãn, bơ, sầu riêng...) nên số lượng cần tiêu thụ lên tới 4 triệu tấn. Ngoài ra còn 600.000 tấn thịt gà, 400 triệu quả trứng, 120.000 tấn hải sản, 80.000 tấn thịt heo hơi... đang cần tìm đầu ra, thị trường.
Bộ trưởng Diên nói sẽ kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ 4 triệu tấn lúa (tương đương 2,5 triệu tấn gạo) để tiêu thụ cho bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời dự trữ trong bối cảnh "cả thế giới chắc chắn thiếu ăn hậu Covid-19".
Bộ trưởng đề nghị các địa phương trong khi trung ương chưa kịp hỗ trợ thì cần tích cực giúp doanh nghiệp và người dân, hợp tác xã... có thể tạm trữ, thu mua lượng lương thực lúa gạo. Việc này trước hết để dự trữ, vừa giúp người dân có nguồn thu nhập và khi cần có thể tung ra thị trường.
Lãnh đạo Chính phủ đã chỉ đạo, ưu tiên cho xe luồng xanh vận chuyển hàng hóa, song thực tế mỗi địa phương vẫn đưa ra quy định riêng trong phòng, chống dịch, khiến lưu thông hàng vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, các loại nông sản sắp vào vụ thu hoạch của địa phương này gồm thanh long, gạo... đang "bí" đầu ra. Chưa kể, đại dịch cũng làm ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Long An.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Vina T&T - đơn vị xuất khẩu trái cây sang Mỹ, Canada, Hàn Quốc... cho biết, Covid-19 đang làm gián đoạn khâu lưu thông, làm thời gian vận chuyển hàng xuất khẩu.
"Giá chuyên chở hàng trái cây lạnh giá bằng hàng khô, rủi ro lại cao nên nhiều hãng tàu không muốn nhận chuyển", ông Tùng nói. Doanh nghiệp đã làm việc với hãng tàu nhưng "chưa đâu vào đâu", nên ông Tùng kiến nghị Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành làm việc để họ ưu tiên giữ lại vận chuyển một phần hàng lạnh.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Thứ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đều thống nhất quan điểm "không thể để chuỗi cung ứng đứt gãy chỉ vì khó khăn trong lưu thông". Lãnh đạo 2 bộ đề nghị các địa phương "dứt khoát không được đặt quy định riêng gây cản trở lưu thông hàng hóa, đặc biệt là nông sản".
Ông Phạm Văn Hiển - Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu LPT (Hà Lan), đơn vị chuyên nhập khẩu trái cây, gạo... sang châu Âu, cho hay gạo Việt Nam xuất khẩu lớn nhưng người tiêu dùng nước ngoài vẫn chuộng và tin tưởng gạo Thái Lan.
Hay như với quả nhãn xuất khẩu sang châu Âu vừa rồi, muốn cạnh tranh và trụ vững tại thị trường châu Âu thì khâu xử lý sau thu hoạch của loại quả này cần tốt hơn.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam Furusawa Yasuyuki lưu ý, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải xây dựng quy trình quản lý sản xuất và bộ tiêu chuẩn đồng nhất; tối ưu hóa khâu logistics để gia tăng hiệu quả.
Ông Nguyễn Hồng Diên lưu ý, cần đa dạng thị trường xuất khẩu để không lệ thuộc quá nhiều vào một hay một số thị trường truyền thống. Bộ này sẽ huy động hệ thống các tham tán thương mại ngoài nước để đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Các địa phương, ngành hàng cần đẩy mạnh phát triển thị trường nội địa và xác định kênh bán nội địa với 100 triệu dân là thị trường quan trọng nhất để gỡ khó cho nông sản, thuỷ sản lúc này.