Tình trạng rác chất đống các vỉa hè, đầu ngõ tại nhiều tuyến phố ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ trong hơn 1 tuần qua khiến người dân bức xúc. Không chỉ vậy, một số tại quận Nam Từ Liêm, hàng chục xe rác bốc mùi ùn ứ ở điểm tập kết trên đường Trần Hữu Dực, phường Cầu Diễn.
Chiều 20/11, công nhân đã thu dọn rác nhưng đường đê Yên Phụ, ngã ba Yên Phụ - An Dương, rác vẫn ùn ứ trên xe gom xếp hàng dài.
Theo ông Hoàng Xuân Sáng, Chủ tịch UBND phường Yên Phụ, rác thải chất đống gây ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường cũng như an toàn giao thông trên địa bàn. Ông Sáng cũng thông tin, đây không phải lần đầu xảy ra việc ùn ứ rác, nên phường đã có văn bản báo cáo Quận, đề nghị lựa chọn đơn vị thu gom rác có năng lực, trách nhiệm hơn trong thời gian tới.
Rác chất đống ở nhiều nơi. |
Chủ tịch UBND phường Yên Phụ cho biết, từ 2014 đến 2017, Hà Nội giao cho các quận, huyện tự tổ chức đấu thầu, lựa chọn đơn vị duy trì vệ sinh trên địa bàn nhưng từ 2017 đến nay, việc thu gom rác tại các quận, huyện thực hiện theo phương thức đấu thầu tập trung. Khi xảy ra ùn ức rác thì phường không xử lý được mà phải kiến nghị lên trên. Từ năm 2021, việc quản lý nhà thầu xử lý rác thuộc các quận thì những đơn vị năng lực yếu sẽ bị loại bỏ.
Ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính (Sở Tài chính Hà Nội), xác nhận từ 1/1/2021, các quận, huyện, thị xã sẽ là chủ đầu tư việc duy trì vệ sinh trên địa bàn và "chủ động lựa chọn nhà thầu".
"Việc lựa chọn các nhà thầu cho giai đoạn mới sẽ thực hiện theo đúng quy định về đấu thầu rộng rãi, minh bạch. Sau khi lựa chọn xong nhà thầu, chúng tôi ký thoả thuận khung và bàn giao cho chủ đầu tư là UBND quận, huyện, thị xã ký hợp đồng chi tiết làm cơ sở thanh toán cho các nhà thầu trên từng địa bàn", ông Tuân nói.
Nhà thầu ở những địa bàn xảy ra tình trạng trên là Công ty cổ phần đầu tư phát triển công nghệ cao Minh Quân, đã đổi tên thành Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội.
Giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Nam Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Công cho biết nguyên nhân ùn ứ rác là do khối lượng phát sinh nhiều hơn so với mức ban đầu khi đấu thầu. Về việc này công ty đã gửi đề nghị nhưng chưa được giải quyết hạch toán. Ông Công cũng thông tin, không có chuyện công ty nợ lương khiến công nhân nghỉ việc, mà vì công ty lớn nên cần thời gian rà soát, chi trả cho công nhân.
Ông Hoàng Tuân, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tài sản công và Thông tin, tư vấn tài chính, thừa nhận việc thanh toán chi phí vệ sinh môi trường "còn chậm" nên đơn vị thu gom chưa có nguồn thanh toán lương và chế độ cho người lao động.
Trong báo cáo gửi Thường trực HĐND TP Hà Nội hồi tháng 10, UBND thành phố cho hay đã có nhiều văn bản yêu cầu các quận, huyện: Nam Từ Liêm, Hà Đông, Tây Hồ, Thạch Thất, Mê Linh, Mỹ Đức, Thanh Trì, Ba Vì yêu cầu đôn đốc nhà thầu thực hiện đúng yêu cầu của gói thầu.
Việc công ty này không đảm bảo duy trì vệ sinh môi trường theo các tiêu chí, yêu cầu của gói thầu sẽ được chủ đầu tư giám sát, đánh giá, xử lý theo điều khoản hợp đồng. Đặc biệt là giảm điểm đánh giá về năng lực khi công ty này tham gia các gói thầu trên địa bàn thành phố từ năm 2021.