Theo ông Chung, bệnh nhân 47 tuổi đến khám tại khoa miễn dịch dị ứng - Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 12/3. Sau đó đến ngày 5/4 có kết quả dương tính với Covid-19. Như vậy là 23 ngày sau khi vào khám ở bệnh viện Bạch Mai mới cho kết quả xét nghiệm dương tính.
Điều này cho thấy thời gian ủ bệnh có thể hơn 14 ngày. Ông Chung cũng dẫn chứng ra các nước như Mỹ có ca là 22,5 ngày, Hàn Quốc có ca 27 ngày, Vũ Hán có ca 39 ngày mới phát hiện.
Một ca nhiễm khác ủ bệnh lâu là một người tại khu cách ly tập trung ở Trường đại học FPT. Bệnh nhân nhập cảnh ngày 25/3 được xét nghiệm âm tính. Những đến 5/4 mới cho kết quả dương tính.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh đây là giai đoạn giãn cách xã hội, người dân được nghỉ ngơi nhưng các cơ quan thì không. Ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Hà Nội ngày 6/3, đến nay tròn một tháng, Hà Nội đang là địa phương có nhiều ca nhiễm nhất.
Cụ thể chia làm 3 nhóm: ca dương tính từ nơi cách ly tập trung từ sân bay về, số này đã kiểm soát được; những ca lây nhiễm chéo ngoài xã hội, hiện nay có 17 ca; ca mắc Covid-19 liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai hiện có 36 ca.
Đặc biệt là ca mắc COVID-19 thứ 237, chủ tịch Hà Nội chỉ rõ chỉ trong vòng mấy ngày đã có 100 người thuộc diện F1 và hơn 200 người thuộc diện F2. Tính sơ bộ có khoảng 400 người bị cách ly liên quan đến ca nhiễm này. Vì vậy với từng ca được phát hiện, phải rà soát, cách ly triệt để
Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng khẳng định: "Nếu để bùng phát, rất dễ thất bại ngay từ trận đầu, vì vậy bây giờ phải rà soát lại các biện pháp về công tác phòng chống dịch, trang thiết bị phòng chống dịch".