Sáng ngày 11/4, cây "ATM gạo" đầu tiên ở Hà Nội đã bắt đầu vận hành tại nhà văn hóa phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Sau khi nghe thông tin, nhiều người dân đã có mặt ở đây để lấy gạo.
Người dân đến lấy gạo tại cây ATM. (Ảnh: Trần Cường) |
Được biết cây ATM gạo này do Ông Nguyễn Mạnh Hùng (55 tuổi, chủ một nhà sách tại Hà Nội) sáng lập. Chia sẻ về ý tưởng này, ông Hùng nói: “Nhớ lại hồi nhỏ khó khăn, thường bị đứt bữa, không có gì ăn, tôi chợt nghĩ tới những người nghèo, kinh tế bị gián đoạn trong mùa dịch sẽ bị đứt bữa. Ngay lập tức, tôi viết một dòng trạng thái trên Facebook có nên làm một ATM gạo ở Hà Nội không thì được rất nhiều người ủng hộ, trong đó có cả những người nổi tiếng”.
Ông Hùng cho chuẩn bị sẵn 10 tấn gạo, phát cho mỗi người 3kg/ ngày từ 11/4 cho đến khi hết gạo, dự kiến là 30/4. Sau khi cây ATM đi vào hoạt động nhiều địa phương đã ủng hộ, ông Hùng dự kiến sẽ mở thêm một số địa bàn khác để hỗ trợ bà con.
Cây ATM được hoàn thành trong 48 giờ đồng hồ. (Ảnh: Trần Cường) |
Hầu hết bà con đều tỏ ra phấn khởi và cảm ơn sự giúp đỡ của ban tổ chức. Bà Đào Thị Lý (78 tuổi, ở phường Nghĩa Tân) cho biết gia đình bà có con gái đang chạy thận, 2 người con tâm thần, dịch bệnh hoành hành chẳng thể đi làm kiếm tiền mua gạo. May mắn thay đã có cơ sở phát gạo miễn phí, nhờ vào túi gạo này bà có thể giúp cho bà cháu không bị đói.
Bà Trần Thị Lành (62 tuổi, tạm trú tại phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Hoàn cảnh nhà tôi cũng khó khăn, một mình phải lo ăn cho bản thân và bố mẹ già nên khi được các đoàn thể quan tâm, hỗ trợ tôi cảm thấy rất ấm lòng và biết ơn. Với 3 kg gạo này, gia đình tôi có thể ăn trong 4 ngày".
Những người có hoàn cảnh khó khăn giờ đây đã không còn phải lo việc không có gạo ăn trong những ngày dịch. (Ảnh: Trần Cường) |
Những người dân đến đấy đều được lấy gạo mang về, trước khi nhận phải sát trùng tay, đeo khẩu trang và đứng theo ô đánh dấu sẵn cách xa 2m. (Ảnh: Trần Cường) |
Người trực tiếp sáng chế chiếc máy "ATM gạo", anh Doãn Thanh Tùng cho biết điểm cải tiến của chiếc máy này giậm bằng chân thay vì ấn nút tay.
"Ở Hà Nội tôi có một số đồ thí nghiệm dạy học sinh, tôi nghĩ mình sẽ làm được như Sài Gòn. Chúng tôi vừa làm vừa chạy. Máy gồm bồn đựng gạo, gạo chạy theo đường ống xuống, giữa có một bộ điều khiển bằng van tự động và pê-đan giậm chân ở dưới để người dân tránh tiếp xúc bằng tay. Mỗi lần ấn pê-đan, gạo sẽ nhả đúng số lượng mình lập trình sẵn", anh Tùng nói.
Mỗi người chỉ nhận 3 kg gạo mỗi ngày. (Ảnh: Trần Cường) |