• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hai bé Trúc Nhi, Diệu Nhi khỏe mạnh, ăn sữa tốt, bàn chân và ngón chân cử động thoải mái

Hiện, Trúc Nhi và Diệu Nhi chỉ cần hỗ trợ hô hấp thông thường, ăn sữa tốt, lanh lợi,...

Theo  bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, tối 28/7, hai bé Trúc Nhi và Diệu Nhi đã cai máy thở thành công, chỉ cần hỗ trợ hô hấp thông thường, ăn sữa tốt, lanh lợi, cười đùa. 

Bé Diệu Nhi đã ổn định hơn, hết sốt, thở oxy qua ống thông mũi, với nồng độ oxy thấp, hợp tác tốt vật lý trị liệu. Tầng sinh môn của bé và các vết thương ở phần bụng, hông khá khô ráo, kết quả cấy vi sinh âm tính. Bé cũng không cần phải nuôi dinh dưỡng qua tĩnh mạch nữa mà được uống sữa thông thường, mỗi ngày 6 - 8 cữ, từ 100-120ml một lần.

Trúc Nhi (bên trái) và Diệu Nhi tỉnh táo, biết cười đùa, giận dỗi.
Trúc Nhi (bên trái) và Diệu Nhi tỉnh táo, biết cười đùa, giận dỗi.

Bé Trúc Nhi đã được rút ống nội khi quản vào sáng 28/7, được hỗ trợ thở máy không xâm lấn, vùng bụng đã tạm ổn. Tầng sinh môn của bé thấm dịch ít hơn, và vết thương ở khung chậu khá khô ráo. Mỗi ngày bé uống được 20-40 ml mỗi cữ, tiêu hóa ổn. Hiện bé rất tỉnh táo và hoạt bát. 

Hai bé cũng đã được tháo bột chân dần dần, bàn chân và ngón chân cử động thoải mái hơn. 

Hai bé song sinh Trúc Nhi - Diệu Nhi là con của sản phụ 25 tuổi (ngụ Q.9, TP.HCM) mang thai lần đầu, sinh ngày 7.6.2019 tại Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM). Cả hai bé bị dính liền vùng chậu, tứ chi đầy đủ, hai cơ quan sinh dục, một hậu môn. Cha mẹ hai bé rất sốc khi đón nhận tin nhưng quyết tâm giữ để hai con có cơ hội chào đời.

Trường hợp này giống cặp song sinh Nguyễn Đức - Nguyễn Việt, ca mổ tách dính song sinh đầu tiên ở Việt Nam năm 1988.

Các bác sĩ nhận định đây là trường hợp song sinh dính nhau vùng bụng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus) cực kì hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỷ lệ song sinh dính nhau là 1:200.000 trẻ sinh sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau kiểu ischiopagus tetrapus.

Cuộc đại phẫu tách rời hai bé có sự tham gia của 100 nhân viên bao gồm hơn 60 y bác sĩ điều dưỡng và nhân viên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cùng gần 30 chuyên gia từ các bệnh viện và trung tâm lớn trên cả nước như Bệnh viện Nhi đồng 1, 2; Bệnh viện Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Xuyên Á và Trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cuộc mổ dài này là "điều kỳ diệu" đã mang lại cuộc đời độc lập, bình thường cho hai bé gái. Bà hy vọng các em trưởng thành khỏe mạnh, đóng góp cho xã hội.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật