Có hàng trăm nhập khẩu thực phẩm và nguyên liệu đang bị vướng bởi quy định tại thông tư số 48/2018 ngày 28-12-2018 của Bộ Y tế. Thông tư này ban hành danh mục dược liệu, các chất chiết xuất từ dược liệu, tinh dầu làm thuốc; thuốc cổ truyền, dược liệu xuất khẩu, nhập khẩu...
Trong khi đó, theo thông tư 03/2016 của Bộ Y tế, cơ sở xuất nhập khẩu dược liệu phải có đủ các điều kiện "đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc với phạm vi bán buôn dược liệu", đạt các nguyên tắc "thực hành tốt bảo quản thuốc" đối với dược liệu theo quy định tại thông tư này do Bộ Y tế kiểm tra..
Ảnh minh họa. |
Ông Nguyễn Thanh Minh, giám đốc một công ty xuất nhập khẩu và logistics tại quận 7 (TP.HCM), cho biết các sản phẩm như óc chó, bạch quả, đậu đen, đậu khấu, đậu nành, đậu xanh; thực phẩm bổ dưỡng: táo tàu, kỷ tử, táo mèo, ý dĩ, hạt sen, long nhãn, nấm linh chi, thảo quả... của doanh nghiệp bị giữ tại cảng từ cuối tháng 10-2020.
Trước đây công ty vẫn nhập các loại thực phẩm này bình thường và hàng về cảng do Bộ NN&PTNT kiểm tra rồi đưa về kho nhưng gần đây Bộ này không kiểm tra nữa vì theo quy định mới, các mặt hàng nói trên thuộc kiểm tra của Bộ Y tế
Đại diện một doanh nghiệp ở Bình Định cũng bức xúc vì nhập khẩu một số loại nguyên liệu về chế biến nước giặt tẩy và làm hương xuất khẩu cũng bị xếp vào nhóm dược liệu nên công việc bị đình trệ.
"Ngay khi nhận được thông tin từ đơn vị lo xuất nhập khẩu về quy định của Bộ Y tế, chúng tôi đã phải chuyển sang mua nguyên liệu trong nước với giá cao hơn nhiều. Một số nguyên liệu trong nước không có hoặc không đủ nên chúng tôi đã phải hủy một số đơn hàng xuất khẩu cuối năm", đại diện công ty này cho biết.
Tổng cục Hải quan đã nhiều lần gửi công văn đề nghị Bộ Y tế sớm có ý kiến trả lời để tháo gỡ khó khăn và giải quyết vấn đề ách tắc hàng hóa.
Trước đó ngày 28-10-2020, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi Bộ Y tế về vướng mắc liên quan đến chính sách nhập khẩu mặt hàng có nguồn gốc thực vật và đề nghị sớm cho ý kiến nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Trong thời gian chờ ý kiến thống nhất, Tổng cục Hải quan đề xuất tạm thời giải quyết linh động theo quy định của cả Luật an toàn thực phẩm và Luật dược.
Trường hợp khai báo nhập khẩu hàng hóa dùng làm thực phẩm thì thực hiện theo quy định tại Luật an toàn thực phẩm và nghị định hướng dẫn luật này. Còn khai báo nhập khẩu hàng dùng làm dược liệu thì thực hiện theo quy định tại Luật dược và nghị định hướng dẫn Luật dược. Trường hợp khai báo nhập khẩu hàng hóa khác (không dùng làm thực phẩm, không dùng làm dược liệu) thì doanh nghiệp tạm thời chọn một trong hai phương án trên.
Tổng cục Hải quan cho biết các doanh nghiệp khai báo chủ yếu để làm thực phẩm như: đậu xanh, đậu đen, đậu nành, táo tàu, táo mèo, bạch quả, gừng, tỏi, sả, Tổng cục Hải quan chỉ đạo đơn vị hải quan địa phương giải quyết thủ tục nhập khẩu cho DN theo nghị định 15/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Theo Tổng cục Hải quan, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi thông tư số 48/2018 theo hướng chỉ đưa vào danh mục dược liệu những sản phẩm chỉ có mục đích sử dụng làm dược liệu...
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), thời gian qua đơn vị này nhận được rất nhiều phản ánh khó khăn của doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm do vướng thông tư số 48 của Bộ Y tế vì không phân định rõ sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ Y tế, sản phẩm nào thuộc quản lý của Bộ NN&PTNT.
Còn theo nghị định 15/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm do Bộ Y tế chấp bút thì có 3 bộ chịu trách nhiệm an toàn thực phẩm là Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương. Tuy nhiên với thông tư 48 do Bộ Y tế soạn thảo thì các mặt hàng lại thuộc Bộ Y tế vì vậy doanh nghiệp phải đợi Bộ Y tế sửa đổi thông tư để giải quyết vấn đề.