Từ sáng sớm nay 29/1 (nhằm ngày 27 tháng Chạp), mọi ngã đường dẫn đến chùa Từ Hiếu đều có đông tăng ni phật tử đến sớm để tham dự lễ Trà Tỳ Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Chương trình lễ Trà Tỳ bắt đầu từ 6 giờ với lễ Cung tiễn và Phát hành. Buổi lễ có đông đảo chư tôn đức giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử chúng đệ tử của Thiền sư.
Chư tôn đức giáo phẩm tham dự lễ Cung tiễn Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh: Lê Hoài Nhân |
Theo chương trình, sau lễ Cung tiễn và Phát hành, Ban tang lễ sẽ cung tuyên tiểu sử Thiền sư, sau đó đại diện môn đồ pháp quyến sẽ đọc lời cảm tạ.
Thầy Thích Chân Pháp Ấn, đệ tử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã cung đọc Tiểu sử của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
6 giờ 40: Thượng tọa Thích Từ Đạo, giám tự Tổ đình Từ Hiếu thay mặt môn đồ, pháp quyến đọc lời cảm tạ.
Đúng 7 giờ 30: lễ Thiên Quan (rước Kim Quan đến địa điểm Trà Tỳ) tại Công Viên Vĩnh Hằng – Vườn Địa Đàng.
Từ 9 giờ: lễ Trà Tỳ Thiền sư Thích Nhất Hạnh sẽ chính thức bắt đầu.
Sau đó, các nghi thức triệt linh sàng, rước bát nhang, bài vị, di ảnh và Kim quan ra xe để đưa lên Nghĩa trang Vĩnh Hằng Vườn Địa Đàng (P.THủy Bằng, TP.Huế) để làm lễ Trà Tỳ.
Trên suốt đoạn đường rước Kim quan từ chùa Từ Hiếu ra xe, tăng ni phật tử đều im lặng xếp hành hai bên tuyến đường chắp tay cung tiễn Thiền sư.
Khác với mọi tang lễ Phật giáo thông thường, khi đưa tang mọi người đều niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà để cầu nguyện, nhưng tang lễ của Thiền sư, tăng ni phật tử đều chắp tay im lặng trong chánh niệm.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh sinh năm 1926 tại Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế. Ông xuất gia vào năm 16 tuổi ở chùa Từ Hiếu (nay P.Thủy Xuân, TP.Huế), thọ giáo với Hòa thượng Thanh Quý.
Một người nước ngoài đến tiễn đưa Sư ông Làng Mai. Ảnh: Lê Hoài Nhân |
"Nơi nào không có bùn thì không có sen. Cũng như thế khổ đau và hạnh phúc nương vào nhau mà phát hiện. Chạy trốn khổ đau để đi tìm hạnh phúc thì cũng như đi tìm hoa sen ở nơi không có bùn".
"Sen và bùn cũng như trái và phải, hễ cái trái có đó là cái phải có đó cùng một lượt. Nhờ tiếp xúc được với khổ đau, lắng nghe khổ đau thì ta mới làm phát hiện được cái hiểu biết và cái thương yêu. Hiểu biết và thương yêu là chất liệu làm nên hạnh phúc", Thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Trong cuốn sách Thế giới Phật giáo (The Buddhist World) của GS.TS Phật học John Powers (một học giả Phật học người Úc), Thiền sư Thích Nhất Hạnh được chọn là một trong 13 vị thầy đã góp phần vào sự hình thành và phát triển của đạo Phật (Bụt) trên toàn thế giới trong suốt quá trình 2.500 năm lịch sử của Phật giáo.
Trong sách này, GS.TS Phật học John Powers chọn Đức Phật Thích ca Mâu ni là vị thầy đầu tiên và Thiền sư Thích Nhất Hạnh là vị thầy thứ 10, vị thầy thứ 11 kế sau đó là Hòa thượng Ấn Thuận (Master Yinshun); 12 là Đức Đạt Lai Lạt Ma và 13 là Buddhadãsa Bhikkhu. Đây là công trình mang tính hàn lâm, rất quy mô do các vị học giả Phật học nổi tiếng thế giới hiện nay thực hiện.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã viên tịch vào lúc 00:00 giờ ngày 22/1/2022 (nhằm ngày 20 tháng Chạp năm Tân Sửu) tại Tổ đình Từ Hiếu, TP.Huế.
"Sống trong giây phút hiện tại là một phép lạ. Phép lạ không phải là đi trên mặt nước. Phép lạ là đi trên hành tinh xanh xinh đẹp này trong giây phút hiện tại, biết trân quý sự bình an và vẻ đẹp có sẵn ngay bây giờ", Thiền sư Thích Nhất Hạnh
Trong bức thư ngày 26/10/2018 được Tăng thân Làng Mai công bố có đoạn "Sứ mệnh hoằng pháp độ sinh cho cả Đông Tây đã phần nào được thành tựu. Vòng tròn giờ đây đang khép lại, tôi thấy rằng, đã đến lúc tôi cần trở về Tổ đình để chung sống cùng chư huynh đệ trong những năm tháng này.
Ao ước được trở về nơi đất Tổ và xây dựng nề nếp tu học tại Tổ đình là thao thức thâm sâu nhất của tôi trong suốt những năm qua. Do đó, tôi đã quyết định trở về Việt Nam, để được sống nơi đất Tổ, có mặt cùng chư huynh đệ và con cháu của Tổ đình cho đến ngày tôi chuyển bỏ hóa thân này.
Không những thế, giờ đây chúng ta đã có hàng triệu con cháu của Tổ đình Từ Hiếu từ những quốc gia khác nhau khắp nơi trên thế giới. Vì lòng thương tưởng đàn hậu học, tấm lòng lân mẫn đến những thế hệ tương lai, tôi muốn nhập diệt tại chốn Tổ để con cháu Tổ đình có gốc rễ và nơi chốn quay về nương tựa".