Cụ thể tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hiện ở mức 72.500 đồng/kg, Gia Lai 71.500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ghi nhận 71.000 đồng/kg, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giữ nguyên mốc 74.000 đồng/kg. Tại Bình Phước, giá nông sản này được thu mua với mức 73.000 đồng/kg.
Như vậy giá tiêu hôm nay tại các vùng trồng tiêu trọng điểm không có nhiều thay đổi.
Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi – Ấn Độ tăng 663,65 rupee/tạ, ở mức 39.300 rupee/tạ. Tỷ giá đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 1/4/2021 đến ngày 7/4/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 316,65 VND/INR.
Hiệp hội Hồ tiêu thế giới (IPC) nhận định, hiện giá tiêu Việt Nam quá cao so với kỳ vọng của thị trường. Với mức giá đầu vào khoảng 72.000 – 75.000 đồng/kg như hiện nay, giá tiêu Việt Nam bán ra tại thị trường Mỹ phải tăng tương ứng 3.800 USD/tấn.
Tuy nhiên, hiện nay thị trường thế giới chỉ đang chấp nhận mức giá 3.100 USD/tấn. Do đó, hiện số lượng hồ tiêu được giao dịch hạn chế tại thị trường Việt Nam và nhu cầu lớn chuyển sang Brazil khi hồ tiêu nước này được giữ ở mức giá đủ thấp.
Với thị trường trong nước, sau thời gian dài gánh lỗ vì giá tiêu luôn thấp hơn giá thành sản xuất, nông dân trồng tiêu bắt đầu có lợi nhuận tốt vì thời gian qua mặt hàng này liên tục tăng giá.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho rằng, yếu tố tác động mạnh đến thị trường thời gian qua, đó là hiện tượng găm hàng của người trồng tiêu và gom hàng của một số nhà đầu cơ.
Giá tăng, nông dân phấn khởi và không vội bán, hệ quả là nhiều doanh nghiệp khó có hàng để xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, ước tính sản lượng tiêu thu hoạch trong vụ này sẽ giảm khoảng 20%. Áp lực hiện nay về nguồn cung cũng khiến Việt Nam và các quốc gia khác phải nhấn mạnh hơn nữa về tầm quan trọng của việc đa dạng sản phẩm chế biến từ hồ tiêu để gia tăng giá trị thay vì chỉ dựa vào tiêu nguyên hạt như trước.