• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được coi là một bộ phận hợp thành quan trọng...

Sáng 17/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, với chủ đề “vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển.”

Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 80 điểm cầu tại các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các nước trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dự hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh; các Bộ trưởng, Thủ tưởng một số cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan thuộc Chính phủ; đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau 35 năm đổi mới, với 3 trụ cột là xóa quan liêu bao cấp, tiến hành đa sở hữu và hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam từ một nền kinh tế với quy mô chỉ 4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người chưa tới 100 USD/năm; đến nay nền kinh tế đạt gần 400 tỷ USD.

Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong đó, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập sâu rộng, hiệu quả.

Xuyên suốt quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực, nguồn lực cho sự phát triển; phát huy tối đa trí tuệ, tài năng, phẩm chất, đạo đức của con người Việt Nam; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

“Đây là những yếu tố có tính chất nền tảng của Việt Nam và đã, đang được thực hiện một cách khoa học, thực tiễn, nghệ thuật,” Thủ tướng cho biết.

Theo Thủ tướng, trong hai năm qua, thế giới có nhiều biến đổi, nhất là do đại dịch COVID-19 tác động tới mọi mặt đời sống xã hội của mỗi nước, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đầy “nhiễu động” đó, tại Việt Nam, Chính phủ đã nhất quán chỉ đạo triển khai hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, duy trì một mặt bằng tỉ giá, lãi suất hợp lý… với tư duy: Tìm kiếm ổn định trong sự bất định; giữ chủ động trong thế bị động; kiên định, nhất quán trong sự xáo động; kiểm soát rủi ro trong nền kinh tế thị trường với đặc tính là có khủng hoảng, suy thoái; xây dựng phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập, phát triển kinh tế quốc tế.

Nhờ đó, trong khi trên thế giới lạm phát tăng cao, kinh tế tăng trưởng chậm; thì Việt Nam kiềm chế lạm phát ở mức thấp và tăng trưởng kinh tế tương đối cao.

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn dự kiến kịch bản đặt ra, tương đương mức bình quân các năm trước dịch; các cân đối lớn được bảo đảm; kinh tế tiếp tục phục hồi; chính trị ổn định; trật tự an toàn xã hội đảm bảo; đối ngoại được tăng cường; đời sống nhân dân được nâng lên.

Nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá cao phục hồi kinh tế-xã hội và nhận định tích cực về triển vọng phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam trong thời gian tới.

Những kết quả đạt được là do sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cùng các quyết sách quan trọng của Nhà nước, trong đó có các Nghị quyết của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân cả nước và sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thủ tướng Chính phủ nhận định, tình hình thế giới thời gian tới tiếp tục có diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức. Việt Nam xác định ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.

Việt Nam tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhà đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Cùng với ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp phải trải qua.

Với quan điểm “Thành công của các bạn là thành công của Việt Nam; thành công của các bạn là thành công của chủ nghĩa đa phương; vì một trái đất hòa bình, hợp tác, phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau” và với tinh thần “Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ,” Thủ tướng mong muốn và tin tưởng tại hội nghị này, các bên sẽ thẳng thắng trao đổi để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, đồng thời thúc đẩy phát triển.

“Tình cảm giữa các bên được gắn kết hơn; sự hiểu biết lẫn nhau được nâng lên; lợi ích của mỗi bên được bảo đảm để cùng chiến thắng,” Thủ tướng nhấn mạnh./.

Phạm Tiếp (TTXVN/Vietnam+)

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật