Theo dự kiến, 15 giờ ngà 14/9, HĐXX phiên tòa sơ thẩm vụ án Đồng Tâm sẽ tuyên án 29 bị cáo. Vụ án được TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm từ ngày 7/9. Qua quá trình xét xử, 29 bị cáo trong vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, không có bị cáo nào kêu oan.
Trước đó, VKSND TP Hà Nội đã đề nghị mức án với 29 bị cáo. Theo đó, 19 bị cáo được đề nghị thay đổi tội danh truy tố từ Giết người sang Chống người thi hành công vụ. Các bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức bị đề nghị mức án Tử hình, bị cáo Lê Đình Doanh bị đề nghị mức án Chung thân.
Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm. (Ảnh: Hùng Anh) |
Một số bị án được đề nghị hưởng án treo như: Lê Thị Loan từ 2 năm 6 tháng – 3 năm cho hưởng án treo; Đào Thị Kim từ 2 năm – 2 năm 6 tháng án treo; Nguyễn Văn Trung từ 18-20 tháng án treo; Các bị cáo: Lê Đình Hiển, Bùi Viết Tiến, Nguyễn Thị Dung, Trần Thị Phượng từ 15-18 tháng, hưởng án treo.
29 bị cáo đều thừa nhận hành vi của mình và mong được xem xét giảm nhẹ hình phạt, hưởng khoan hồng. Các bị cáo đều tỏ ra ăn năn hối hận, gửi lời xin lỗi gia đình 3 chiến sĩ công an đã hy sinh và đề đạt nguyện vọng HĐXX tuyên mức án thấp nhất, để các bị cáo sớm trở về với gia đình, trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Theo cáo trạng, sau khi biết tin Công an Hà Nội phối hợp Quân chủng Phòng không - Không quân (Bộ Quốc phòng) triển khai bảo vệ lực lượng thi công xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn trên đất Đồng Sênh, ông Lê Đình Kình đã cùng với Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu và nhiều người khác góp tiền mua 10 quả lựu đạn, làm hàng chục chai bom xăng, mua tuýp sắt có gắn dao bầu... nhằm tấn công lực lượng chức năng.
Sáng 9/1, khi lực lượng công an đến cổng làng thôn Hoành để bảo vệ kế hoạch thì các bị cáo đã báo động và bắn pháo. Lực lượng chức năng đã kêu gọi các đối tượng chấm dứt hành vi vi phạm và đầu thú nhưng không có kết quả. Tổ công tác gồm 3 chiến sĩ công an là Nguyễn Huy Thịnh, Phạm Công Huy và Dương Đức Hoàng Quân trong quá trình ngăn chặn hành vi phạm tội của các bị cáo.
Tại tòa, luật sư bảo vệ quyền lợi cho người bị hại và đại diện Viện KSND TP.Hà Nội (giữ quyền công tố tại phiên tòa) đã bày tỏ quan điểm không cần thực nghiệm hiện trường vụ án vì các dấu vết, chứng cứ thu thập được tại hiện trường phù hợp với lời khai của các bị cáo thừa nhận trước tòa.