Theo Tổng công ty Điện lực miền Trung ( EVN CPC), bão số 5 đã khiến 616 cột điện trên địa bàn 5 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam bị gãy, đổ và nghiêng. Trong đó có 304 cột bị gãy, 169 cột bị đổ, 143 cột bị nghiêng.
Trong số 304 cột bị gãy, có 34 cột bê tông dự ứng lực và 270 cột bê tông thường.
Khắc phục sự cố lưới điện do ảnh hưởng bão số 5 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: EVN |
Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế có đến 272 cột điện bị gãy, trong đó có 30 cột bê tông dự ứng lực. EVN miền Trung khẳng định con số thống kê cho thấy tỷ lệ cột bê tông dự ứng lực chiếm một phần rất nhỏ (khoảng 11%) trong tổng số cột điện bị gãy.
Nguyên nhân hàng trăm cột điện gãy đổ trong bão số 5 là do… cây xanh ngã đổ vào đường dây, gây lực tác động kép bất thường, tức vừa gió bão, vừa cây đổ vào đường dây làm quá khả năng chịu đựng của kết cấu cột, xà sứ, dây dẫn,… dẫn đến hư hỏng kết cấu hạ tầng lưới điện và gãy cột.
Bên cạnh đó, một số vị trí cột điện nằm ngoài khu dân cư, ở các vị trí góc, khi có gió giật mạnh và hướng gió thay đổi làm xoáy và đứt các dây néo, cũng là nguyên nhân làm gãy đổ cột.
EVN miền Trung cho biết đã rà soát toàn bộ công tác thiết kế, thi công, chất lượng vật tư thiết bị đều đảm bảo theo quy định. Công tác mua sắm cột điện được tổ chức đấu thầu rộng rãi theo đúng quy định.
Cây xanh và trụ điện bị gãy đổ sau bão số 5 ở Đà Nẵng. Ảnh: PLVN |
Các cột điện được sử dụng trên lưới điện EVN miền Trung được các nhà sản xuất trong nước thiết kế, sản xuất tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Việt Nam (TCVN 5847:2016, 5847:1994) và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.
Về nghi vấn cột điện chất lượng kém nên bị gãy đổ hàng loạt trong mưa bão, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn đường dây - Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, cho rằngbất cứ loại cột bê-tông nào sản xuất ra đều phải tuân thủ về thiết kế và các quy chuẩn, tiêu chuẩn và được kiểm tra chất lượng trước khi lắp đặt.
Nguyên nhân gãy, đổ cột điện trong mùa mưa bão, do có nhiều tải trọng bất lợi khác nhau không thể dự báo trước, tác dụng lên cột điện bê-tông, như: cây đổ, vật cản nặng tác dụng lên cột,… Những nguyên nhân này đều có thể gây gãy, đổ cột điện.
Còn thắc mắc khi cột điện gãy mà không nhìn thấy cốt thép ở trong, ông Hùng cho biết cần phải kiểm tra xem cột điện đổ là cột điện bê-tông ứng lực trước hay bê-tông thường không ứng lực trước?
Nhiều nghi vấn đặt ra khi trụ điện gãy không nhìn thấy sát thép bên trong. Ảnh: PLVN |
Bởi cột điện bê-tông ly tâm ở Việt Nam được chế tạo theo tiêu chuẩn Quốc gia TCVN: 5847-2016. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các loại cột điện bê-tông cốt thép ứng lực trước và không ứng lực trước sản xuất theo phương pháp ly tâm.
Nếu là bê-tông ly tâm ứng lực trước, thì khi sản xuất, cốt thép được căng trước. Vì vậy, khi gãy cột điện, cốt thép bị đứt sẽ co về hai đầu, rút vào trong bê-tông với độ sâu khoảng 1cm. Do cốt thép có đường kính nhỏ, bằng mắt thường khó có thể thấy được cốt thép, mà chỉ thấy được những lỗ đường kính của cốt thép trên bề mặt bê-tông.
Đây là hiện tượng quán tính bình thường của vật lý, giống như sợi dây đang căng mà đứt ra thì sẽ co về 2 đầu và cốt thép trong bê-tông này cũng tương tự.
Bão số 5 đổ bộ vào Quảng Trị, Thừa Thiên Huế sáng 18/9 làm 6 người chết và 112 người bị thương. Bão cũng khiến hơn 22.700 căn nhà bị sập và tốc mái, chủ yếu ở Thừa Thiên Huế. Thành phố Huế có hơn 10.000 cây xanh bị gãy đổ. 24 giờ sau bão, ngành điện đã khôi phục cấp điện tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam. Riêng tại Thừa Thiên Huế, lưới điện trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng. EVN miền Trung phải huy động 6 đơn vị thuộc các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Công ty Dịch vụ Điện lực miền Trung cùng 6 doanh nghiệp xây lắp điện trên địa bàn để khắc phục sự cố. Sau 4 ngày, đến 22/9, lưới điện tỉnh Thừa Thiên - Huế cơ bản được phục hồi cấp điện. |