• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hơn 63.000 doanh nghiệp đóng cửa trong 7 tháng đầu năm

Trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng...

Theo số liệu của Cục quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461  doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do dịch COVID-19 đã có những tác động xấu đối với hoạt động kinh doanh.

Trong số hơn 63.000 doanh nghiệp phải đóng cửa trong vòng 7 tháng qua có 32.722 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 41,5%), 21.802 doanh nghiệp chờ giải thể (giảm 12,2%), 8.937 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,5%).

Trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. So sánh với số liệu 7 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 (giảm 15,4%), có thể nhận thấy dịch bệnh COVID -19 đã ảnh hưởng lớn đến cộng đồng doanh nghiệp và là nguyên nhân chính gây ra sự nghịch chuyển theo chiều hướng xấu này.

Trong đó đáng chú ý là doanh nghiệp bất động sản có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 với 927 doanh nghiệp, tăng 98,5%.

Ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 7/2020 là 13.200 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 239.297 tỷ đồng, tăng 6,9% về số doanh nghiệp và tăng 71,9% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2019, giảm 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 72,0% về vốn đăng ký so với tháng 6/2020. Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7/2020 là 91.367 người, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 8,7% so với tháng 6/2020.                          

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7/2020 tiếp tục gia tăng với tỷ lệ cao sau thời kỳ giảm sút ở những tháng đầu năm, thời điểm dịch bệnh bùng phát. Tháng 7/2020 ghi nhận 4.839 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 3,2% so với tháng 6/2020.

Số liệu của các tháng trước thể hiện, ngay sau khi Chính phủ thực hiện biện pháp nới lỏng giãn cách xã hội thì tỷ lệ gia tăng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã gia tăng mạnh mẽ và tiếp tục duy trì ổn định. Có thể nhận thấy rằng, các doanh nghiệp phản ứng và thích nghi khá nhanh với những biến đổi của tình hình kinh tế – xã hội.

Tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 7 tháng đầu năm 2020 là 598.600 lao động, giảm 19,5% so với cùng kỳ năm 2019. Có tới 15/17 ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm 2019, đặc biệt đáng chú ý là các ngành: Nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 40,3%); hoạt động dịch vụ khác (giảm 29,0%); kinh doanh bất động sản (giảm 23,9%) và Giáo dục và đào tạo (giảm 15,4%). Đây là những ngành được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi diễn biến dịch bệnh trong giai đoạn này.

Doanh nghiệp ngưng hoạt động vì COVID-19 tăng mạnh. 
Doanh nghiệp ngưng hoạt động vì COVID-19 tăng mạnh. 

Ở xu hướng ngược lại, 2 ngành có số lượng doanh nghiệp đăng ký trong 7 tháng tăng so với cùng kỳ năm 2019 là: Sản xuất, phân phối điện, nước, gas có 2.340 doanh nghiệp (tăng 190,7%); Nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có 1.372 doanh nghiệp (tăng 20,9%). 

Một nguyên nhân giải thích cho việc tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập với tỷ lệ cao ở các ngành kinh doanh này là bởi đây là những ngành nghề kinh doanh thiết yếu, bất chấp sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19 những ngành này vẫn hoạt động sản xuất, kinh doanh, thêm vào đó là sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh trong thời điểm hiện tại từ các ngành bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch sang những ngành nghề kinh doanh chịu ít rủi ro hơn.

Khu vực Đông Nam Bộ có số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất với 30.941 doanh nghiệp (chiếm 41,1% cả nước) và số vốn đăng ký là 462.371 tỷ đồng(chiếm 49,4% cả nước). Tiếp đó là Đồng bằng sông Hồng với 22.578 doanh nghiệp.

Theo Cục quản lý đăng ký kinh doanh, tình hình phát triển của doanh nghiệp trong tháng 7/2020 đã có những chuyển biến đáng khích lệ.Tuy nhiên, khoảng thời gian kể từ khi nước ta thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh đến nay vẫn còn ngắn và những chính sách đưa ra mới chỉ bắt đầu triển khai và đa phần cần thời gian để thực hiện.

Chính vì vậy, nhìn chung tình hình đăng ký doanh nghiệp 7 tháng đầu năm 2020 vẫn tiếp tục ghi nhận sự sụt giảm, thể hiện qua sự giảm sút về số lượng doanh nghiệp thành lập mới, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh, quy mô doanh nghiệp, số lao động đăng ký và sự gia tăng của doanh nghiệp ngừng hoạt động trong ngắn hạn.

So sánh số liệu với thời điểm những tháng đầu năm, có thể nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực đang có dấu hiệu chững lại trong ngắn hạn. Trong trường hợp tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục được duy trì kiểm soát tốt như hiện nay và tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực, bức tranh phát triển của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn 7 tháng đầu năm 2020 là 32.722 doanh nghiệp, tăng 41,5% với cùng kỳ năm 2019.

Đây là một trong những mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong các kỳ 7 tháng giai đoạn 2015-2020, thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh COVID-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp.

VIÊN VIÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật