Báo cáo mới nhất do Khối Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu của Ngân hàng HSBC phát hành nhấn mạnh nên kinh tế Việt Nam đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ chưa từng thấy.
"Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế đạt mức tăng trưởng dương trong năm 2020 - với tỷ lệ 2,9%, nhờ các biện pháp ngăn chặn virus sớm một cách hiệu quả, nhanh chóng quay lại hoạt động bình thường và xuất khẩu các mặt hàng điện tử bùng nổ. Cùng với nhu cầu trong nước duy trì rất tốt, góp phần giảm thiểu tác động của dịch bệnh. Việt Nam kết thúc năm 2020 với thắng lợi mạnh mẽ", HSBC khẳng định.
Nhận định năm 2021, HSBC cho rằng rất lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam. "Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồ. Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng GDP đạt 7,6%. Lạm phát sẽ khoảng 3,3%, thấp hơn mức trần lạm phát 4% của ngân hàng nhà nước", báo cáo nêu.
HSBC gọi Việt Nam là một hình mẫu tại ASEAN kết thúc năm 2020 với một cú bật. Bất chấp 2020 là một năm chấn động! nhưng xét trên nhiều khía cạnh, Việt Nam đã thể hiện vượt trội hơn bất cứ quốc gia nào. Trong khi kinh tế các nước phát triển chậm lại một cách rõ rệt, Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng dương trong năm 2020.
Theo HSBC, trong năm 2021, có nhiều lý do để tin đà phát triển mạnh mẽ của Việt Nam, trong đó dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào vì Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn. Ảnh minh họa |
Lạm phát của Việt Nam cũng đã được kiểm soát tốt trong năm 2020. Trong khi đầu năm, lạm phát thực phẩm là nguyên nhân chính khiến giá cả tăng cao trong quý I/2020, do giá thịt lợn cao, thì đến cuối năm nguồn cung thực phẩm trở lại bình thường.
Trong năm 2021, có nhiều lý do để tin rằng đà phát triển mạnh mẽ của Việt Nam sẽ còn tiếp tục.
Về mặt đối ngoại, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết trong năm 2020, bao gồm cả EVFTA, RCEP và UKVFTA. Các hiệp định thương mại này mở ra cơ hội tiếp cận thị trường, mang lại lợi thế xuất khẩu cũng như đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu. Đáng chú ý, dòng vốn FDI sẽ tiếp tục đổ vào vì Việt Nam vẫn là một điểm đầu tư hấp dẫn.