• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Karaoke, massage có nguy cơ bị xóa sổ khỏi thị trường?

Liên tục sang nhượng cửa hàng, phá sản, chuyển hình thức kinh doanh... là tình cảnh của...

Chị Nguyễn Linh - chủ quán Avatar karaoke tại phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 (TP.HCM) - như ngồi trên đống lửa khi doanh nghiệp phải đóng cửa quá lâu.

"Nếu tiếp tục phải dừng hoạt động, các doanh nghiệp kinh doanh trong ngành dịch vụ này sẽ buộc phải đóng cửa, phá sản", chị than thở. "Việc karaoke hoạt động sẽ giúp các dịch vụ, chuỗi cung ứng liên quan khác phát triển, đồng thời tạo điều kiện cho rất nhiều lao động có việc làm thu nhập", chị Linh nhấn mạnh.

Thực tế, sau khoảng 2 năm liên tục phải đóng cửa vì dịch bệnh, không thể cầm cự thêm, nhiều chủ quán karaoke, massage tại TP.HCM và Hà Nội cho biết họ đang đứng trước nguy cơ phá sản, phải thông báo sang nhượng cửa hàng. Điều đó kéo theo ngành dịch vụ này đang có nguy cơ bị xóa sổ khỏi thị trường sau khi hết dịch Covid-19.

Rao bài sang nhượng nhà hàng KTV Luxury trên đường Bùi Thị Xuân (quận 1, TP.HCM) hơn 4 tháng nay nhưng chị Anna vẫn chưa tìm được người thuê. "Chủ yếu là môi giới bất động sản gọi điện hỏi thăm, còn người có nhu cầu hầu như không có", chị kể.

Việc karaoke luôn là ngành đóng cửa đầu tiên và mở cửa cuối cùng sau mỗi lần dịch khiến họ cảm thấy bị động và chán chường. Ảnh: zingnews.vn
Việc karaoke luôn là ngành đóng cửa đầu tiên và mở cửa cuối cùng sau mỗi lần dịch khiến họ cảm thấy bị động và chán chường. Ảnh: zingnews.vn

Đồng loạt sang nhượng, thanh lý

Đại diện nhà hàng này cho biết đây là tình trạng chung của rất nhiều quán kinh doanh dịch vụ karaoke hiện nay khi không được tiếp tục hỗ trợ tiền mặt bằng thuê nhà hàng tháng.

"Thời gian đầu, chúng tôi cứ nghĩ chỉ phải đóng cửa 1-2 tháng nhưng không ngờ lại kéo dài lâu đến như vậy. Đến giờ này không thể tiếp tục trụ nổi vì chi phí duy trì quán quá cao nên mới phải quyết định sang nhượng nhà hàng", chị Anna chia sẻ.

Theo chị Anna, tòa nhà có 8 lầu mặt tiền, tổng diện tích sử dụng hơn 1200 m2, quy mô tổng 30 phòng, đã đầu tư 10 phòng VIP nội thất âm thanh ánh sáng hiện đại nhưng vẫn chưa có người thuê lại.

Các ông lớn trong ngành dịch vụ karaoke ở TP.HCM như ICool, Knice, Kingdom cũng phải thu hẹp phạm vi hoạt động.

"Trong năm 2020, nhiều chủ nhà đã hỗ trợ mặt bằng. Do đó, năm 2021 họ cũng không thể tiếp tục hỗ trợ như trước bởi đó cũng là công việc, nguồn thu của họ. Suy nghĩ đóng cửa cũng khó khăn lắm nhưng đó là điều bắt buộc phải làm", ông Tạ Quang Hùng - Giám đốc marketing của hệ thống Kingdom nói. Ông cho biết doanh nghiệp đã phải đóng cửa 7/10 cơ sở từ năm ngoái đến nay.

Tương tự, một cơ sở massage trên đường Bình Trị Đông (Bình Tân, TP.HCM) cũng liên tục thông báo sang nhượng hơn 1 tháng nay. Đại diện cơ sở này cho biết giá sang nhượng là 600 triệu đồng đã bao gồm 250 triệu đồng tiền cọc tuy nhiên vẫn chưa có người mua lại.

"Không biết khi nào mới hết dịch, 1 năm hay 2-3 năm nữa nên tôi phải sang nhượng, thu hồi vốn tìm ngành nghề kinh doanh mới. Chi phí duy trì, mặt bằng lên tới 20-30 triệu đồng mỗi tháng nên không thể tiếp tục gồng thêm nữa", đại diện này nói.

Tại Hà Nội, nhiều quán karaoke cũng liên tục thông báo thanh lý, sang nhượng lại. Dọc con đường Nguyễn Khang, Nguyễn Ngọc Vũ, Trần Thái Tông (Cầu Giấy), Lê Đức Thọ (Mỹ Đình)... cũng không còn cảnh tấp nập khách hàng ra vào quán karaoke như 2 năm trước.

Anh Công Mạnh - đại diện quán karaoke 140 trên đường Nguyễn Chí Thanh (quận Đống Đa) cũng cho biết đang cần sang nhượng lại quán với giá 1,4 tỷ đồng để thu hồi vốn. Trước đây, khi dịch bệnh chưa bùng phát, mỗi tháng quán karaoke này có thể thu nhập 100-300 triệu đồng và có lượng khách rất ổn định.

"Mặc dù không muốn sang nhượng vì đã đầu tư một khoản tiền lớn và bỏ ra rất nhiều công sức nhưng vì có việc gấp nên mới quyết định nhượng lại. Hiện, quán có mặt bằng 135 m2 với giá thuê 44 triệu đồng/tháng và được hỗ trợ giảm giá mùa dịch 15-20%", anh nói.

Số ca mắc mới liên tục tăng lên mỗi ngày, lại xuất hiện thêm biến chủng Omicron mới, nhiều chủ quán karaoke ở TP.HCM và Hà Nội không còn hy vọng về mùa tiệc tất niên cuối năm nay và họ dự đoán ngày mở cửa vẫn còn xa. Một số lựa chọn chuyển đổi mô hình kinh doanh, số ít khác vẫn cố gắng giữ mặt bằng vì đã tốn hàng tỷ đồng đầu tư.

Giải pháp nào cứu ngành karaoke, massage

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội - cho rằng ngành dịch vụ giải trí như karaoke, massage hay bar, vũ trường đã biến mất dần khỏi thị trường trong 2 năm vừa qua. Cứ được mở rồi lại phải đóng và thời gian đóng còn lâu hơn thời gian mở cửa.

Theo ông, cách tốt nhất lúc này là mở cửa có điều kiện, kiểm soát để doanh nghiệp hoạt động trở lại. Bởi bất kể một ngành nghề kinh doanh nào, điều quan trọng nhất là thị trường, là khách hàng, nếu không được mở cửa sẽ chết dần chết mòn.

"Trong khi các chính sách hỗ trợ như giảm thuế, phí... các doanh nghiệp trong ngành này rất khó tiếp cận vì có rất nhiều điều kiện kèm theo", ông nhìn nhận.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng lúc này để có thể tồn tại, bản thân chủ doanh nghiệp cần có sự chủ động linh hoạt, sáng tạo như chuyển đổi hoặc đổi mới mô hình kinh doanh.

Khả năng thanh toán cho nhà cung cấp, chủ nhà, lãi vay ngân hàng của nhiều doanh nghiệp dịch vụ giải trí như karaoke, massage, bar... đã không còn nữa. Ảnh: Ảnh: zingnews.vn
Khả năng thanh toán cho nhà cung cấp, chủ nhà, lãi vay ngân hàng của nhiều doanh nghiệp dịch vụ giải trí như karaoke, massage, bar... đã không còn nữa. Ảnh: Ảnh: zingnews.vn

Ví dụ, rạp chiếu phim có thể đẩy mạnh khai thác kênh trực tuyến để thành lập các hội nhóm, câu lạc bộ giới thiệu phim hoặc dịch vụ xem phim online tại gia... từ đó giữ chân khách, tạo tiền đề cho việc mở cửa trở lại.

"Tất nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng sẽ hạn chế nhưng còn hơn là không làm gì. Tùy ngành nghề, loại hình dịch vụ mà doanh nghiệp phải năng động, sáng tạo linh hoạt. Trên thực tế, nhiều đơn vị đã sớm biết chuyển đổi sang kinh doanh khác phù hợp với tình hình hiện tại như bán thực phẩm, đồ ăn nhanh…", vị chuyên gia này nhìn nhận.

Ngoài ra, ông Thịnh cho rằng muốn các chính sách hỗ trợ của Chính phủ thiết thực và sâu sát hơn nữa cần có sự phản ánh, đề nghị của doanh nghiệp.

"Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn rất phức tạp mặc dù độ phủ 2 mũi vaccine cao do đó chính quyền vẫn rất thận trọng trong việc cho phép các hoạt động kinh doanh trong phòng kín mở cửa trở lại", ông nói.

Trước đó, ngày 16/11, TP.HCM cho phép cơ sở kinh doanh các dịch vụ massage, spa, quán bar, vũ trường, karaoke được hoạt động ở cả 3 cấp độ dịch thấp nhất. Nhưng ngay sau đó, chính quyền thành phố lại yêu cầu tạm thời ngừng hoạt động kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, massage, spa, quán bar vì tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Tại Hà Nội, các dịch vụ quán bar, karaoke, vũ trường, game phải đóng cửa từ 29/4 đến nay để phòng Covid-19.

Theo Thanh Thương

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật