Luật kinh doanh bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ 1/1/2023 đưa ra quy định về thời gian cân nhắc tham gia bảo hiểm. Theo đó, với hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 1 năm, trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm.
Tại mục 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định về hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, hợp đồng bảo hiểm sức khỏe có quy định về thời gian cân nhắc (Điều 35) như sau: "Đối với các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 01 năm, trong thời hạn 21 ngày kể từ ngày nhận được hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm có quyền từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm. Trường hợp bên mua bảo hiểm từ chối tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm sẽ bị hủy bỏ, bên mua bảo hiểm được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng sau khi trừ đi chi phí hợp lý (nếu có) theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm không phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm".
Như vậy, trong khoảng thời gian 21 ngày, với 2 loại hợp đồng nhân thọ và hợp đồng sức khỏe, nếu thời hạn của loại bảo hiểm trên 1 năm thì bên mua sẽ có thời gian 21 ngày để cân nhắc việc có tiếp tục tham gia bảo hiểm hay không. Nếu bên mua không tiếp tục tham gia bảo hiểm thì hợp đồng được hủy bỏ và bên mua được nhận lại phí bảo hiểm đã đóng (sau khi trừ chi phí hợp lý (nếu có) của bên kinh doanh bảo hiểm.
Luật Kinh doanh bảo hiểm định nghĩa bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe như sau:
+ Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tuổi thọ, tính mạng con người.
+ Bảo hiểm sức khỏe là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau, bệnh tật hoặc chăm sóc sức khỏe. Đối tượng bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm sức khỏe là sức khoẻ con người.
Hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Đối với bảo hiểm nhân thọ, luật quy định về bảo hiểm tạm thời như sau: Doanh nghiệp bảo hiểm cấp bảo hiểm tạm thời cho bên mua bảo hiểm kể từ thời điểm nhận được yêu cầu bảo hiểm và phí bảo hiểm tạm tính của bên mua bảo hiểm. Thời hạn bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm tạm thời do doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm thỏa thuận. Bảo hiểm tạm thời kết thúc sau khi doanh nghiệp bảo hiểm chấp nhận hoặc từ chối bảo hiểm hoặc trường hợp khác theo thỏa thuận.
Theo báo cáo từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ 9 tháng năm 2022 ước đạt 127.511 tỉ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường 9 tháng ước đạt 37.677 tỉ đồng, tăng 6,35% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới là Manulife với 6.863 tỉ đồng, tiếp đến là Prudential với 6.678 tỉ đồng, Dai-ichi Life với 5.172 tỉ đồng…
Cũng theo số liệu của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2022 các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện chi trả ước đạt 34.552 tỉ đồng, tăng 57,35% với cùng kỳ năm trước.