Mới đây, báo Người Lao Động thông tin, bà Huỳnh Thị Hồng (63 tuổi, trú tại Đội 5, thôn Ngọc Thạch, xã Tịnh An, TP. Quảng Ngãi) đã tự ý rời khỏi khu vực cách ly người nghi nhiễm virus Covid-19 để ra chợ buôn bán rau.
Khi được cơ quan chức năng TP. Quảng Ngãi hỏi về lý do bỏ trốn, bà Hồng cho biết: “"Gia đình tôi rất khó khăn, hàng ngày tôi phải ra chợ buôn bán rau kiếm sống, bắt tôi ở nhà lấy gì có tiền mua lương thực. Hơn nữa, tôi chỉ đi tới tỉnh Vĩnh Phúc ăn đám cưới, không về tâm dịch xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) nên không cần phải thực hiện việc cách ly".
Để tiếp tục cách ly, bà Hồng yêu cầu chi trả 250.000 đồng/ngày (tương đương thu nhập hàng ngày buôn bán rau).
Với trường hợp của bà Hồng, ông Nguyễn Văn Anh, Phó Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi, cho biết hiện bà Hồng chưa có dấu hiệu sốt, ho và các dấu hiệu bệnh Covid-19 nhưng hết ngày hôm nay (17/2), nếu bà Hồng và con trai của bà vẫn không thực hiện việc cách ly theo quy định, chúng tôi sẽ thực hiện cưỡng chế cách ly tập trung đối với bà Hồng và con trai tại cơ sở 2, Trung tâm y tế huyện Bình Sơn.
Khu vực cách ly phòng chống dịch do virus corona gây ra tại Lạng Sơn. Ảnh: TN |
Mặc dù chưa xác định có nhiễm virus Covid-19 hay không, song việc bà Hồng tự ý rời khỏi khu vực cách ly đã gây hoang mang dư luận, nhiều người tỏ ra lo lắng và cho rằng cơ quan chức năng cần phải có những chế tài để xử lý đối với những trường hợp nêu trên.
Nhìn từ góc độ pháp lý, trả lời phỏng vấn trên báo Gia đình & Xã hội, luật gia Nguyễn Gia Hải (Liên đoàn Luật gia Việt Nam) bày tỏ quan điểm: Trước dịch do virus corona chủng mới gây ra, trong khi cả nước đang chung tay phòng, chống dịch bệnh thì người phụ nữ này lại bỏ trốn, không tuân thủ quy định về việc cách ly đối với bản thân. Đây là hành vi đi ngược lại ý chí, quyết tâm của toàn dân tộc.
Về mặt pháp luật, hành vi của người phụ nữ này là trái với quy định của pháp luật và có thể sẽ bị xử phạt theo điểm b, khoản 1, điều 10 của nghị định 176/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể:
Điều 10. Vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế
1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với trường hợp phải thực hiện việc cách ly y tế theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này;
c) Không lập danh sách và theo dõi sức khỏe của những người tiếp xúc với người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật;
d) Thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại địa điểm không đủ điều kiện thực hiện cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của pháp luật.
2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức thực hiện việc cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1, Khoản 2 Điều này."
Ngoài hình thức xử phạt hành chính nêu trên thì người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo khoản 3 của điều luật nêu trên.
Đối với trường hợp của người phụ nữ bán rau, hành động của người này thuộc hành vi cấm theo quy định tại khoản 7, điều 8 luật phòng chống bệnh truyền nhiễm 2007.
Để quản lý chặt chẽ người bệnh nghi ngờ, người bệnh xác định tại các cơ sở khám chữa bệnh, Cục Quản lý khám chữa bệnh yêu cầu Giám đốc các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế, Y tế ngành nghiêm túc thực hiện và chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện rà soát công tác tiếp nhận, phân loại người bệnh theo 3 nhóm (bệnh nghi ngờ, bệnh có thể, bệnh xác định).
Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc quản lý tất cả người bệnh thuộc 3 nhóm trường hợp nêu trên; kết hợp với chính quyền địa phương và cơ quan công an trên địa bàn để quản lý chặt chẽ người bệnh; tuyệt đối không để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly y tế khi chưa được phép xuất viện và hoàn toàn chịu trách nhiệm khi để người bệnh ra khỏi khu vực cách ly.