Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) gửi đến các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách để nghiên cứu, cho ý kiến tại hội nghị diễn ra sáng nay, 28-3.
Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 đề nghị không thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và dự thảo luật được tiếp thu theo hướng này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Thái Nguyên) - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng, cần nghiên cứu kỹ hơn, vì nếu chỉ thực hiện theo biện pháp hành chính thì nhiều trường hợp không đủ sức răn đe.
Thực tế cho thấy mức phạt thấp hơn hơn nguồn lợi thu được từ vi phạm nên họ sẵn sàng chấp nhận bị xử phạt. Nếu không có biện pháp mạnh hơn thì tình trạng vi phạm tiếp tục xảy ra. Nếu chỉ xử phạt hành chính thì không phù hợp thông lệ quốc tế khi họ xử lý tại tòa nên ông đề nghị nên có sự phân loại trường hợp xử lý tại tòa, trường hợp xử lý hành chính.
Đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, phương án giữ như luật hiện hành là xác đáng vì vi phạm sở hữu trí tuệ cũng có thể vi phạm trong giao dịch dân sự hoặc trong xâm phạm việc bảo đảm trật tự quản lý hành chính Nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng lý giải việc tiếp thu giữ nguyên như luật hiện hành. Theo đó, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là công cụ đảm bảo quản lý Nhà nước, nếu thu hẹp đối tượng sẽ dẫn đến tăng vụ việc chuyển sang tố tụng dân sự với đặc điểm thời gian, chi phí tốn kém trong khi xử lý hành chính nhanh gọn, thủ tục đơn giản, chi phí thấp và có thể chấm xứt ngay hành vi vi phạm.
Theo UBTVQH, ưu điểm của việc xử lý vi phạm bằng biện pháp hành chính là hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng, chi phí thấp nhằm kịp thời ngăn chặn, chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ trật tự quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Biện pháp này có tính chất, phạm vi áp dụng riêng và không loại trừ quyền của các bên khởi kiện ra Tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự để yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra.
Áp dụng xử lý hành chính không làm hạn chế hay loại trừ việc các đương sự khởi kiện ra toà vì đây là hai vấn đề khác nhau. Việc kiện ra toà nhằm yêu cầu bồi thường thiệt hại, còn xử lý hành chính là công cụ của Nhà nước yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm, lập lại trật tự.
Hành chính thì Nhà nước đảm bảo vai trò chủ động trong phát hiện, xử lý. Nếu các bên không ra tòa thì sự việc vi phạm còn đó mà Nhà nước không can thiệp được.
Quan hệ sở hữu trí tuệ bản chất dân sự nhưng là “dân sự đặc thù” vì không chỉ tác động đến các bên liên quan trực tiếp mà còn tác động đến toàn xã hội thông qua các sản phẩm hàng hoá ra thị trường, nếu không bảo vệ tốt thì trước hết người tiêu dùng bị thiệt hại. Việc duy trì vai trò của Nhà nước để bảo đảm hoạt động lành mạnh lĩnh vực này là rất quan trọng.
Việc chuyển một số hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp sang chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng dân sự sẽ kéo dài thời gian, gây tốn kém chi phí, làm giảm sức thu hút và khả năng cạnh tranh của môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời có nguy cơ dẫn đến gia tăng các hành vi vi phạm trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.
Quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù. Hành vi xâm phạm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của một hay một số tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, toàn xã hội và ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. Do đó, đề xuất thu hẹp phạm vi các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này bị xử lý bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình của Chính phủ là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.