Việc Nhà đấu giá Millon của Pháp công khai bán đấu giá 329 cổ vật trong đó có chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là một sự kiện quan trọng khiến công chúng người Việt quan tâm trong năm 2022. Chưa bao giờ, việc quan tâm tới những cổ vật có giá trị đang lưu lạc trên thế giới được chú trọng đến như vậy!
Ngày 19/10/2022, trên trang của Nhà đấu giá Millon, Pháp, đăng tải thông tin sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của nhà Nguyễn đúc năm 1823 triều Minh Mạng (1820 – 1841) lô số 101, thuộc bộ sưu tập “Nghệ thuật Việt Nam” vào lúc 11h ngày 31/10/2022 (giờ Paris). Sự kiện này khiến nhiều người Việt quan tâm và có nhiều tranh luận quanh việc vì sao các quốc bảo từ đời Nguyễn lại có thể dễ dàng mang ra bán đấu giá như vậy!
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra: Chiếc ấn vàng đó có phải là ấn đúng nguyên tác hay không, ai là người sở hữu ấn vàng đó sau khi cựu hoàng Bảo Đại mất? Vì sao chiếc ấn vàng, một kim bảo của Việt Nam triều Nguyễn lại được đấu giá một cách công khai? Việt Nam sẽ có phản ứng và phương cách gì để có thể đưa quốc bảo hồi hương ?
Kim ấn “Hoàng đế chi bảo”. |
Dư luận khắp nơi mạnh mẽ gây tác động không nhỏ tới Nhà Millon đã liên tục rời ngày đấu giá: Bắt đầu từ ngày 31/10 rời tới ngày 10/11 và tiếp tục rời tới ngày 18/11/2022 và hủy đấu giá khi các ban ngành có liên quan của Việt Nam tới xác minh và “thương lượng”.
Theo Bộ VH-TT-DL: Với tinh thần đồng thuận, thấu hiểu và mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Pháp, hai bên đã thống nhất với tinh thần sẽ thỏa thuận để chiếc kim ấn được hồi hương về Việt Nam. Đoàn công tác đã tiến hành nghiên cứu, đánh giá tính xác thực của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hiện đang lưu giữ tại Văn phòng Nhà đấu giá Millon số 19 Rue de la Grange – Bateliere (Paris, Pháp).
Kết quả nghiên cứu đã xác thực ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được Nhà Millon rao bán là hiện vật gốc, chuẩn xác, được đúc vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823) đúng như trong cuốn sử Đại Nam thực lục, “Khâm Định Đại Nam hội điển sự lệ” và trong biên bản, hình ảnh giao kiếm của Pháp cho cựu hoàng Bảo Đại ngày 8.3.1952 hiện lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia. Nhận thức ý nghĩa quan trọng của chiếc ấn vàng, được sự chỉ đạo kịp thời của chính phủ, Bộ VH-TT-DL, cùng Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an và các cơ quan liên ngành, các cá nhân trong và ngoài nước, gia tộc họ Nguyễn, đã liên tục nỗ lực tìm kiếm giải pháp hồi hương ấn vàng trở về Việt Nam. Đêm 15/11 (giờ Paris), nhà đấu giá Millon chính thức thông báo hủy bỏ phiên đấu giá: “Nhà đấu giá Millon vui mừng thông báo Nhà nước Việt Nam đã đạt được thỏa thuận riêng về việc hồi hương kim ấn của Hoàng đế Minh Mạng về Việt Nam. Do đó, phiên đấu giá công khai kim ấn “So Unique” vào ngày 18/11/2022 sẽ bị hủy bỏ”.
Hiện tại cho tới đầu năm 2023, quá trình để đưa ấn vàng trở về Việt Nam vẫn được giữ kín, chúng tôi đã liên lạc phỏng vấn được ông Gérard Chapuis - nhà sưu tập người Pháp gốc Việt hiện đang sống tại Marseille, Pháp. 13 năm trước (24/11/2010), tại Drouot (Paris), ông đã đấu giá thành công bức tranh sơn dầu “Chiều tà” của vua Hàm Nghi. Ông là người sở hữu khá nhiều tài sản Văn hóa Huế, đặc biệt là các bộ sưu tập của các họa sĩ Việt Nam nổi tiếng, là thành viên của Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế”, ông có một tình yêu đặc biệt với vua Hàm Nghi nói riêng và các di sản của Huế nói chung, nên khi nhận được tin 329 cổ vật của người Việt cùng chiếc kim ấn “Hoàng đế chi bảo” sẽ được mang bán đấu giá, lòng ông không khỏi xót xa và mong sao cho Việt Nam có thể bằng mọi cách để có thể sở hữu trở lại những cổ vật và quốc bảo quý báu ấy!
Lễ trao trả ấn kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại ngày 8/3/1952 trên tờ Journal d'Extreme - Orient ngày 11/3/1952 (Nguồn: TTLTQGI). |
13 THƯ ĐỀ CẬP TỚI HOÀNG ĐẾ CHI BẢO
Codet Hanoi: Được biết ông là một trong những người đầu tiên biết được thông tin nhà Millon bán đấu giá bảo ấn “Hoàng đế chi bảo” này. Tâm trạng lúc đó của ông thế nào?
Bác sĩ, nhà sưu tập Gérard Chapuis: Interencheres.com là một trang mạng được thành lập bởi ba Ủy viên đấu giá có tầm nhìn xa, từ những năm 2000, chuyên đăng thông báo bán đấu giá công khai các vật phẩm cũng như tác phẩm nghệ thuật, các thiết bị chuyên nghiệp và xe hơi của hơn 250 văn phòng Ủy viên đấu giá vật phẩm do tòa quyết định thanh lý sau phán đoán cùng các nhà buôn đấu giá bán các vật phẩm tự nguyện tại Pháp.
Thứ năm ngày 20 tháng 10 năm 2022, hòm thư email của tôi đã được đặt trong tình trạng ‘’Báo động đỏ’’ khi mà, trong vòng 4 tiếng, chỉ từ 06 giờ 28 phút đến 10giờ 31, tôi đã nhận đến 13 thư điện tử đề cập đến ‘’Hoàng đế chi bảo’’. Không có giải thích thỏa đáng, ngoài việc có lẽ ‘’Big Data/Thu thập thông tin dữ liệu khổng lồ’’ của họ đã cho biết tôi đã từng đấu trí, đấu giá và thành công mua được hai bức tranh của vua Hàm Nghi từ năm 2010 chăng? Và họ cũng biết rằng tôi là tín đồ chung thủy với đường dây nóng của họ để giao lưu những gì có liên quan đến lịch sử Việt?
Bác sĩ, nhà sưu tập Gérard Chapuis. |
Sự hiếu kỳ cho tôi lập luận nhất thời là ‘’buồn làm chi’’ khi giá cao trên trời (2-3.000.000 euro) mà ta không nên ‘’đèo bòng’’ nhưng ta vẫn có thể ‘’rửa mắt’’ trước những vật phẩm ngự dụng, có những buổi quan sát cùng cọ sát học hỏi cách thức các ban ngành liên quan ở Việt Nam thao tác...
Đó là phản xạ đầu tiên của người vừa nhận mũi tiêm thuốc tê và với thời gian hai ngày sau đó, tôi mới ý thức rằng đây không phải là phản xạ hoàn hảo của người chép sử hay của thành viên của “Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế”. Và tôi cũng ghi nhận rằng, tất cả người Việt đang trong tư thế ‘’chờ coi thế nào’’, đến ít nhất ngày 26 tháng 10 năm 2022, có vẻ như ‘’chắc như đinh đóng vào cột’’, phản kháng cũng bằng thừa vì văn hóa Việt không có phản đối bài bản, tôi nhấn mạnh chữ ‘’bài bản’’, trước quốc tế bởi thiếu kinh nghiệm tác chiến, thực chiến, thiếu thực hành tiếng Pháp và tiếng Anh(?). Những câu hỏi chính đáng này thúc đẩy tôi, hơn là chiếc ấn “Hoàng đế chi bảo” đang ‘’bị’’ rao bán.
Nền tảng phải được đặt ra để cộng đồng người Việt hiểu rằng họ cũng có những người tài có trí thức để đệ đơn, gửi văn bản để kháng nghị trong bất cứ ngôn ngữ nào, cũng như có những người giàu để mua lại ấn đem trở lại Việt Nam... ‘’Nam quốc sơn hà nam đế cư’’...
Với kinh nghiệm một nhà sưu tập đồ cổ nhất là đồ Huế xưa, lại là người đấu giá thành công 2 tác phẩm của vua Hàm Nghi, ông có thể chia sẻ sự hiểu biết của mình về chiếc kim ấn này?
Theo tôi hiểu, chiếc kim ấn này là một trong những kim bảo quan trọng nhất, thể hiện quyền lực tối thượng của các đời vua Nguyễn. Ngày 30/4/1945, vua Bảo Đại đã trao ấn và kiếm trong lễ thoái vị của mình cho phái đoàn của chính phủ lâm thời do Trần Huy Liệu dẫn đầu cùng ông Nguyễn Lương Bằng và ông Cù Huy Cận. Ông tuyên bố: “Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Từ nay Trẫm lấy làm hạnh phúc khi được là Dân tự do, sống trong một nước độc lập”. (Chiếu thoái vị, công bố chính thức từ 25/08/1945).
Như vậy, vua Bảo Đại đã thoái vị và trao lại ấn kiếm cho chính phủ lâm thời vào ngày 30/8/1945. Từ năm 1946, Hà Nội trở thành một vùng Pháp tạm chiếm. Sự kiện hai bảo vật bị thất lạc và được nhà binh Pháp tìm thấy ở dưới chân móng của một ngôi nhà đổ nát tại làng Nghĩa Đô, dưới những lớp gạch nền Bát Tràng trở thành một trong những sự kiện lớn nhất trên báo chí thời bấy giờ (1952).
Trên tờ Giang Sơn, trụ sở tại 102 đại lộ Lê Thái Tổ, Hà Nội có đăng tải bài phóng sự của phóng viên trực tiếp đi làm việc thực địa và phỏng vấn ông Quận trưởng Quảng Bá – Yên Thái vào ngày 5/3/1952. Khi phóng viên tờ Giang Sơn tới quan sát thực địa thì thấy ngôi nhà còn nguyên vết tích chiến tranh, đổ nát, cây cỏ mọc hoang vu, xung quanh có hầm và hồ nước. Báo viết rõ: Ngôi nhà xưa kia vốn của ông Hà Độ có họ hàng với ông Trường Chinh, nơi này cũng là nơi in giấy bạc Hồ Chí Minh. Từ khi Hà Nội bị Pháp tạm chiếm, Việt Minh rút đi, ngôi làng Nghĩa Đô trở nên hoang tàn, không ai lai vãng, sau đó nhà binh Pháp có xin đi lấy gạch vụn, ông Quận trưởng đã cho họ lấy gạch tại ngôi nhà này và “vô tình” phát hiện ra hai bảo vật quý báu này.
Trên tờ Phục Hưng ngày 14/3/1952 có thông tin: “Bà con làng Nghĩa Đô đã có thấy du kích về làng nói là để tìm tài liệu, nhưng bị quân Pháp đánh đuổi. Phải chăng tài liệu ở đây là gươm ngọc kiếm vàng? Trong mấy năm, cảm tử quân xung phong về Nghĩa Đô vẫn không đạt được mục đích”.
Những vấn đề tôi đặt ra để hiểu hơn thế nữa, là những biến cố nào dẫn đến việc thoái vị của Bảo Đại, tại sao ấn và kiếm lại được tìm ra ở Nghĩa Đô. Đại diện chính quyền Pháp lại là Đại tướng de Linarès mà không phải là Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny? (Sau này tôi mới biết do ông mất tại Pháp vì bệnh ung thư 11/1/1952). Vì sao ngày 8/3/1952 – ngày Pháp trao trả ấn cho Bảo Đại lại được coi là ngày Tết Độc lập tại Ba Đình, trên đại lộ Puginier (phố Điện Biên Phủ, Hà Nội ngày nay)? Có vật phẩm hay bưu phẩm nào chứng minh rằng ngày 8/3/1952 là ngày quan trọng nhất của Quốc gia Việt Nam giai đoạn đó? Tháng 3 năm 1952, Bảo Đại đang ở Hoàng Triều Cương Thổ nhưng sao ông không di hành đến quảng trường Ba Đình, Hà Nội để nhận ấn kiếm mà lại để người đại diện là Lê Thanh Cảnh (Đặc ủy viên Văn phòng Quốc trưởng) đi tiếp nhận thế chỗ? Quốc gia Việt Nam và Hoàng Triều Cương Thổ Bắc Cao nguyên và Nam Cao nguyên là gì? Khuôn khổ của bài phỏng vấn này không cho phép trả lời tất cả những câu hỏi trên. Lập luận, dẫn chứng sẽ được dành cho tập sách tôi xuất bản sau này.
(Sự quan trọng của ngày 8/3/1952 – ngày Pháp trao kiếm cho cựu hoàng Bảo Đại - được coi là ngày độc lập – Tem được phát hành vào ngày 8/3/1952. Nguồn: Bộ sưu tập của tác giả Gérard Chapuis)
Tôi có được đọc bức thư ông viết cho ông Nguyễn Đắc Xuân, có thấy sự chia sẻ khá… “sốt ruột” ở đó, ông cho rằng, những cơ quan có trách nhiệm, luôn “bị động” và có quá nhiều rào cản?
Rõ ràng là những cơ quan có trách nhiệm của Việt Nam, luôn chơi ở “chiếu dưới” trong những sự vụ thế này! Ngày Chủ nhật 23 tháng 10 năm 2022, 05 giờ tại Pháp (11 giờ tại Việt Nam) tôi điện thoại cho ông Nguyễn Đắc Xuân - Chủ tịch “Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế” và sau hơn một tiếng đồng hồ bàn thảo, chúng tôi đi đến kết luận rằng tôi sẽ viết thư đặt vấn đề với Hội.
Sau đó, chính tôi là người cố vấn cho ông Chủ tịch Hội viết thư bằng tiếng Việt và Pháp gởi cho ông Jean Gauchet, Giám định Viên nhà Millon để phản đối việc bán đấu giá kim bảo... Tôi mạnh dạn dùng chữ Interpol (Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế) về tội buôn bán các tác phẩm nghệ thuật của dân tộc Việt Nam trên đất Pháp vì tôi biết việc buôn này là điều bất hợp pháp. Thư được treo trên tường Facebook của ông Nguyễn Đắc Xuân. Một viên chức cao cấp, mà tôi không tiện nêu tên, đề nghị rút xuống. Ông Nguyễn Đắc Xuân tuân thủ theo pháp luật là chuyện bình thường.
Có nghĩa là từ 20 tháng 10 đến ngày 24 tháng 10 năm 2022, án binh bất động, mới có một động thái đầu tiên đến từ viên chức cao cấp? Nếu đây là trò chơi ngã, rơi, rụng quân cờ đôminô, thì thư tôi viết cho “Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế” ngày Chủ nhật 23 tháng 10 năm 2022, có thể được coi là bước đầu của cuộc kháng nghị việc buôn bất hợp pháp kim bảo dẫn đến việc dời ngày bán đến ngày thứ năm 10 tháng 11 năm 2022, 12 giờ trưa.
Việc dòng họ Nguyễn Phúc Tộc viết lá thư gửi cho bên nhà đấu giá và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, theo ông, điều đó là chuẩn hướng hay không?
Có ba khái niệm mà xã hội không thể cất giấu trong bóng tối mãi mãi. Đó là mặt trời, mặt trăng và... sự thật. Cũng chính tôi đã tác động đến Nguyễn Phúc Tộc qua người đại diện là Nguyễn Phước Bửu Nam, Chủ tịch, phụ trách Ban Văn hóa Di sản Vương triều Nguyễn. Tôi cố vấn và tác động một cách tích cực để được ra đời một lá thư kháng nghị, bằng hai thứ tiếng Việt-Pháp, với nội dung khác với thư của ông Nguyễn Đắc Xuân - Chủ tịch “Hội nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế” trước đó.
Thư đã được gởi đến bốn người, ông Jean Gauchet, Giám định viên, ông Alexandre Millon, Tổng Chủ tịch tập đoàn Millon, ông Pélage de Coniac đồng Tổng Chủ tịch tập đoàn Millon và cô Tahsi Chang, Giám định viên Nghệ thuật Á châu. Tôi không quan tâm đến những ý kiến ra đời sau khi quyết định của chúng tôi được in thành văn bản và được gởi đi đến trụ sở của Millon tại Paris. Có quý vị đã nói chúng tôi làm chuyện ‘’tào lao’’? Ồ, chúng tôi chịu trách nhiệm cho những quyết định đã đưa ra và quyết định của chúng tôi không thể bác đi được bởi bất cứ một cá nhân nào.
Nếu quay đồng hồ thời gian trở về quá khứ và nếu không có thư của Nguyễn Phúc Tộc, thử hỏi vấn đề có được tiếng dội trên đài của Quốc hội mà đại biểu Nguyễn Thanh Hải là người đem tiếng nói của con dân Việt thấp cổ bé họng đến trước cả nước Việt Nam... Nếu không có thư của ông Nguyễn Đắc Xuân, thì chắc gì các cơ quan liên ngành có trách nhiệm biết tới? Cũng những ý kiến đó hỏi tại sao chúng tôi gởi e-mail đến ông Jean Gauchet khi ông ta chỉ là Giám định viên với quyền lực hạn chế? Xin trả lời vắn tắt là tôi, một nhà sưu tập cổ thư và cổ vật Việt, có kinh nghiệm thực chiến trên đất Pháp và quyết định đó là ‘’Bất di bất dịch’’...
Nếu chúng tôi nghe những ý kiến của các quý vị ấy, “tào lao đến tận cùng của vũ trụ”, thì có lẽ giờ này con dân Việt đã ngồi bệt xuống đất ôm mặt khóc buồn vì không có được đến 10 ngày gia hạn cuộc đấu giá... Các thư kiến nghị đó có chuẩn hướng hay không? Chỉ cần những thông tin về chiếc kim ấn còn được quan tâm, đề cập, và có biện pháp tích cực, thì điều đó đủ để trả lời câu hỏi trên rồi.
NHÀ ĐẤU GIÁ MILLON ĐÃ THẬN TRỌNG HƠN!
Ngay sau đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp làm việc với Hãng đấu giá Millon để xác minh thông tin, tìm hiểu ra phương án phù hợp nhất, có hai từ “thương lượng”, ông nghĩ thế nào về việc này?
Ở đây chúng ta vào thẳng trục chính của cuộc đấu trí... Cuộc buôn đấu giá công khai là một cách “thương lượng” với nhiều đối phương trước mặt ẩn danh, ta phải tả xung hữu đột... Giá bán ấn quốc bảo được treo ở mức ước lượng 2.000.000- 3.000.000 euro, mây ở tầng nào thì gió ở tầng ấy, nếu có vài tay tài phiệt Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong thì giá có thể lên đến tận mây!
Giá trị của sự dời ngày đấu giá, cho thấy nhà buôn Millon có thái độ rụt rè và họ thận trọng hơn. Tôi có một kinh nghiệm mà tôi xin chia sẻ cho phía Việt Nam: Tôi là chủ sở hữu sách viết tay phân loại các loài cá ở Đông Dương chừng 40 trang; tôi giao bán cho một nhà buôn Pháp. Họ từ chối nhận hàng chỉ vì ở trang đầu có con dấu của một thư viện tỉnh vô danh tại Pháp, họ viện cớ có thể là vật phẩm ăn cắp.
Câu hỏi được đặt ra là nếu nhà bán đấu giá Millon có tất cả quyền hạng để bán hai vật phẩm ngự dụng thì tại sao họ chỉ chùn bước trước một vật phẩm duy nhất, nhượng bộ, dời chiếc ấn để bán 10 ngày sau trong khi chiếc bát vàng đã được bán 680.000 euro? Vì họ đã thấy được việc bất hợp pháp khi bán công khai chiếc ấn... Vì ấn ‘’Hoàng đế chi bảo’’ không có bất cứ giấy tờ chính thức nào đến từ công chứng viên Pháp và việc đó không có gì khó hiểu. Cứ mường tượng cảnh ngô nghê, Bảo Đại xướng tên, đưa chứng minh nhân dân và yêu cầu làm giấy thừa kế cho ‘’cục’’ ấn vàng... Công chứng viên nếu còn có một chút phán xét, sẽ đảo óc trong sọ 77 lần như ta thường đảo lạc rang tỏi ớt, dụi mắt cả trăm lần chứ không đùa trước khi thẳng thừng từ chối!
Không lợi dụng thế thượng phong trong 1 tuần qua, tôi thấy phía Việt Nam, chỉ vì sợ không đủ kinh phí, đã không mời luật sư Pháp chuyên tranh chấp Nghệ thuật cố vấn. Đây là một lỗi tai hại vì phía Việt Nam nghĩ có thể “thương lượng” giá thấp hơn chăng? Nên nhớ, nhà buôn đấu giá sẽ thu phí (25% với người bán và 25% với người mua). 50% trên số bán vật phẩm 1.000.000 euro là 500.000 euro và 50% trên 3.000.000 euro là 1.500.000 euro. Họ sẽ không thể chấp nhận bán dưới giá ước lượng trừ một trường hợp khi họ biết trong hậu trường, ngoài sau cánh gà, chỉ có một người có tham vọng mua ấn “Hoàng đế chi bảo”. Chẳng thà bán với giá “thương lượng” thấp còn hơn bỏ lỡ cơ hội bán. Nếu như các Bộ, ngành quyết tâm đem ấn “Hoàng đế chi bảo” về theo kiểu ‘’cha chung không ai khóc’’, (Bao nhiêu chúng tôi cũng “với tới’’ được) thì tiền công hay tiền của Mạnh thường quân cũng là tiền làm từ mồ hôi nước mắt của một người nào đó, và giá cũng sẽ trên mây...
Trên trang của Millon, có công bố thông tin người sở hữu bảo ấn là bà Monique Baudot, vợ cuối của cựu hoàng Bảo Đại là Monique Baudot (với các chức tự phong như: Hoàng phi Vĩnh Thụy, Thái Phương hoàng hậu), hai ông bà không có con. Vậy sau khi bà mất, quyền sở hữu thuộc về ai chưa rõ, nhưng điều trên, nhà Millon khẳng định, có giá trị gì không thưa ông?
Tôi trả lời câu hỏi bằng một câu chuyện dí dỏm. Để cho chúng ta có thước đo và nắm bắt được cái kinh hoàng trong cử chỉ mang ấn ‘’Hoàng đế chi bảo’’ đi khỏi nước Việt Nam, thử tưởng tượng Tổng thống Emmanuel Macron khi xong nhiệm kỳ hai, vào Bảo tàng Le Louvre và kẹp nách tranh Mona Lisa của danh họa Léonard de Vinci để làm của riêng và bẵng đi một thời gian, của công trở thành của riêng được quyền chuyển nhượng để thừa kế rồi sau đó mua bán công khai trước bàng quan thiên hạ! Chỉ có ở Việt Nam mới có thái độ chấp nhận không kháng cự như đinh đóng cột hiện tượng này...
Việc xin phép được xã hội hóa cho việc thương lượng và tìm cách giúp hồi hương ấn vàng này, chăng là tín hiệu rất tích cực nhưng chậm vì nhiều thủ tục và chưa có kinh nghiệm, thể tài?
Buôn có bạn bán có phường! Lúc rao bán bát vàng và ấn “Hoàng đế chi bảo”, có 198 lô đi kèm theo. Dầu các tiệm buôn đấu giá đã từng bán các dấu ‘’Càn Long’’ cao cấp hơn nhiều, thì trong cuộc buôn vẫn có các món khai vị và sau đó có các món tráng miệng. Tôi nghĩ đây chỉ là “deadline’’ hay người Việt nói rằng là ‘’thời hạn chót’’, một cách chỉ để gây áp lực mà thôi? Tuy nhiên, đây có lẽ cũng là một bài học lớn để người Việt có thể quan tâm hơn tới các bảo vật quốc gia bị thất thoát, có thêm những điều luật có lợi hơn cho việc đưa di sản quốc gia hồi hương một cách chuyên nghiệp, bài bản, tránh hao tổn thêm tiền của nhân dân.
Xin chân thành cảm ơn ông.
Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là một trong 20 bảo tỷ quan trọng nhất của triều Nguyễn, được đúc năm 1823 đời vua Minh Mạng, chất liệu vàng, nặng 10,78 kg. Kim ấn thể hiện quyền lực của Hoàng đế, được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chiếc ấn vàng này khi đúc xong được cất trong hòm bằng gỗ hoa lê chạm rồng mây, 4 góc bịt vàng, ổ và chìa khóa làm bằng vàng nguyên chất. Ấn vàng quan trọng này được dùng vào các dịp đặc biệt, được dùng trong các lễ “khánh tiết ban ân xá tội và dự bảo thân huân, đi tuần thú xem xét các địa phương, sắc văn ban cho nước ngoài”.
Cho tới thời điểm này, hành trình đem kim ấn trở về Việt Nam mới chỉ tạm dừng ở việc: Việt Nam đã “thương lượng” thành công với nhà Millon về việc không đem đấu giá công khai chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Chúng ta sẽ mong chờ tin vui vào năm 2023, chiếc ấn vàng sẽ trở về Huế, về Việt Nam để ai cũng có thể một lần được chiêm ngưỡng, và hơn hết là giá trị tinh thần, là bài học kinh nghiệm trong việc sử dụng Luật Di sản và các Công ước sao cho không để thất thoát những bảo vật quốc gia.