• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kinh tế Việt Nam năm 2022 đối mặt với nhiều thách thức

Các chỉ số kinh tế được dự báo tiếp tục có nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch COVID-19...

Tại Hội nghị tổng kết ngành thuế mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay: "Năm 2021 đầy biến động do dịch COVID-19 ảnh hưởng mạnh tới nền kinh tế trong và ngoài nước. Đặc biệt, đợt dịch bùng phát lần thứ 4 ảnh hưởng không nhỏ tới thu và chi ngân sách nhà nước. Một số khoản thu giảm, trong khi nhiệm vụ chi tăng lên để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tăng chi đầu tư công để kích thích nền kinh tế; chi cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Dù vậy, bằng nhiều giải pháp tăng thu, giảm chi, tới cuối năm, thu ngân sách nhà nước vẫn về đích, thậm chí vượt dự toán, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước".

Theo Bộ trưởng Tài chính, thu ngân sách năm 2022 sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn nên cần tiếp tục tăng cường quản lý, chống thất thu thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận hoàn thuế. Tăng cường quản lý đối với những lĩnh vực còn tiềm năng như sàn giao dịch điện tử, các hoạt động trên nền tảng số, bất động sản, khoáng sản ngân hàng, chứng khoán.

Bộ Tài chính cũng nhìn nhận, kinh tế thế giới sẽ phục hồi và tốc độ tăng trưởng được dự báo thấp hơn năm 2021. Vì vậy ngành Tài chính đối mặt nhiệm vụ khó khăn là tăng đầu tư công để kích thích tăng trưởng. 

Năm 2022, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 1,41 triệu tỷ đồng, dự toán chi ngân sách khoảng 1,78 triệu tỷ đồng, bội chi ngân sách trong năm khoảng 4% GDP. Dự kiến gói hỗ trợ miễn, giảm thuế trong năm nay có thể lên khoảng 60.000 tỷ đồng, gấp 3 lần năm 2021. Năm vừa qua khó khăn, thu ngân sách vẫn vượt dự kiến.

Năm 2022, dự báo kinh tế phục hồi, nhu cầu lao động sẽ càng trở nên cấp bách hơn với doanh nghiệp. Đòi hỏi ngành LĐ-TB&XH phải thực hiện các giải pháp tổng thể để kết nối cung- cầu lao động, đưa người lao động trở lại các đô thị, trung tâm kinh tế để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Dịch COVID-19 cũng mở ra cơ hội lớn với ngành GTVT, đặc biệt trong đầu tư hạ tầng giao thông. Trước những bất cập phát sinh trong nhiều năm qua, hàng loạt dự án đường cao tốc đã được đồng loạt chuyển sang đầu tư công. Điển hình là 5 đoạn cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được chuyển từ đầu tư BOT sang đầu tư công; giải ngân vốn nâng cấp sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất...

Theo Bộ Xây dựng, năm 2022, sự phát triển của thị trường bất động sản hiện chưa thực sự bền vững, còn tiềm ẩn yếu tố rủi ro. Tình trạng vi phạm quy định pháp luật của doanh nghiệp, cá nhân còn xảy ra tại một số địa phương. Mặt khác, cơ sở dữ liệu, thông tin về thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch...

GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động mọi mặt đến đời sống kinh tế, xã hội, xuất khẩu nông nghiệp dự báo lập mốc lịch sử 48 tỷ USD là một nỗ lực rất lớn của nông dân và doanh nghiệp, thể hiện sản phẩm của Việt Nam bắt đầu tăng dần về giá trị.

Thời gian qua ngành nông nghiệp bộc lộ nhiều hạn chế sản xuất thiếu tính chủ động, nguồn vật tư, đầu vào phụ thuộc lớn từ bên ngoài, khâu thị trường còn mù mờ.

Nhiều tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lúng túng trong việc chuyển vùng đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác. Sắp tới chúng ta cần chuyển đổi mạnh mẽ hơn.

Tại vùng biên giới Việt Nam - Campuchia có nhiều nước ngọt, có thể quy hoạch trồng lúa, đảm bảo an ninh lương thực. Còn khoảng 1,2 triệu ha dọc ven biển, có thể trồng lúa chất lượng cao để chinh phục các thị trường cao cấp như Trung Đông, Mỹ, Hồng Kông (Trung Quốc). Các vùng khác chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, vùng chuyên canh nuôi tôm, cá…

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật