Mới đây, Hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái (huyện Phú Xuyên, Hà Nội) đã đi vào hoạt động. Đây là HTX đầu tiên ở Việt Nam chuyên sản xuất, chế biến cây chuối thành sợi để phục vụ sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, làm giấy....
Từ cuối tháng 11/2019, anh Nguyễn Đức Tuấn và anh Hồ Xuân Huy đã cùng một số thành viên đứng ra lập tổ sản xuất sợi chuối, với hệ thống nhà xưởng, trang thiết bị trị giá hàng trăm triệu đồng.
Anh Nguyễn Đức Tuấn cho biết qua thống kê sơ bộ, Việt Nam có khoảng 150.000ha đất trồng chuối lấy quả, với nhiều vùng chuyên canh chuối có diện tích lớn, quy mô trang trại, nông trại. Có thể lên đến 200.000ha nếu tính cả diện tích trồng nhỏ lẻ của các gia đình, các giống chuối không lấy quả như chuối lá, chuối hột, chuối rừng. Diện tích chuối đó tương đương với khoảng 200.000 tấn sợi mỗi năm. Sợi thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay là khoảng 3,5 USD/kg, ước tính tiềm năng kinh tế từ thị trường sợi chuối lên tới 700 triệu USD.
Công nhân bóc tách bẹ chuối trước khi đưa vào máy chẻ, ép thành sợi. |
Các sản phẩm làm từ sợi chuối thô bao gồm nhiều loại như thủ công mỹ nghệ, các loại giấy như giấy in tiền, giấy gói hàng, hay thậm chí là những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ôtô, du thuyền.... Trên thế giới có rất nhiều thị trường sợi chuối thô lớn như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm thu về hàng tỷ USD. Mức độ tăng trưởng trong 10 năm qua của thị trường sợi chuối luôn ở mức 16 - 30%/năm.
Tại Việt Nam, cây chuối chủ yếu trồng lấy quả, tận dụng được ít lá khô, hoa tươi còn phần thân chuối gần 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường. Năm 2019, Công ty cơ khí chính xác GMF và Công ty Musa Pacta cùng nghiên cứu, phát triển đồng bộ thiết bị cho ngành khai thác sợi chuối tại Việt Nam. Nhờ vào đây, các loại máy tuốt sợi, máy xẻ thân chuối, máy ép bã, máy ép khuôn chậu cây từ bã chuối, máy làm sạch sợi… lần lượt ra đời.
Hai công ty đã cùng với anh Nguyễn Đức Tuấn và Hồ Xuân Huy hợp tác. Công ty GMF sẽ cung cấp máy móc, còn phía Musa Pacta sẽ bao tiêu sản phẩm đầu ra cho HTX.
Chị Nguyễn Hồng Thanh (xã Khai Thái), người phụ trách công đoạn se sợi nói: "Trước kia thân cây chuối chủ yếu dùng làm thức ăn chăn nuôi lợn, nhưng khi xảy ra dịch tả lợn châu Phi, chăn nuôi gặp khó nên thân cây chuối vứt bỏ chẳng ai thèm lấy. Giờ thân chuối được tận dụng hết, không chỉ giảm ô nhiễm môi trường, chúng tôi còn có thêm việc làm và thu nhập nên rất phấn khởi" .
Sau 7 tháng đi vào hoạt động, HTX đã và đang tọa việc làm thu nhập cho 30 người lao động với các công việc khác nhau như hặt chuối, vận chuyển, tuốt sợi, ép bã, ngâm ủ nước thân chuối,... Hiện HTX đã có 3 cơ sở sản xuất (gồm 1 cơ sở sản xuất sợi tại thôn Lập Phương, 1 cơ sở sản xuất thủ công, ngâm ủ tại thôn Lập Phương, 1 cơ sở sản xuất thủ công, ngâm ủ tại thôn Vĩnh Trung, đều thuộc xã Khai Thái).
Anh Nguyễn Đức Tuấn chia sẻ, HTX đã đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với tham vọng đạt tiêu chí 5 sao. Qua đó, sản phẩm sợi chuối không chỉ phát triển mạnh ở Khai Thái mà còn mở rộng quy mô cả nước.