• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lần đầu tiên trong lịch sử giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn Thái Lan

Đầu tháng 8, mỗi tấn gạo trắng 5% tấm của Việt Nam xuất khẩu có giá cao hơn gạo Thái Lan...

Trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo gồm Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất; cao hơn gạo Thái từ 15 - 20 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ đến cả 100 USD/tấn.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), loại gạo 5% tấm Việt Nam đang chào bán từ 478 – 482 USD/tấn, gạo loại 25% tấm giá từ 458 – 462 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm Thái Lan có giá từ 463 – 467 USD/tấn, loại 25% tấm giá 444 – 448 USD/tấn; gạo Ấn Độ loại 5% tấm giá từ 378 – 382 USD/tấn, loại gạo 25% tấm giá 348 – 352 USD/tấn. Như vậy, giá gạo Việt Nam đang cao nhất.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, do đồng baht Thái tăng giá so với USD, khiến giá gạo xuất khẩu nước này mất lợi thế cạnh tranh so với đối thủ. Giá FOB gạo trắng 5% tấm của Thái Lan giao dịch quanh mức 460 USD một tấn, cao hơn 90 USD mỗi tấn so với gạo Ấn Độ và 8 USD so với gạo đồng hạng của Việt Nam.

Giá gạo Việt Nam vượt mặt Thái Lan.
Giá gạo Việt Nam vượt mặt Thái Lan.

Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan từ 15 - 20 USD/tấn, và năm 2020 có nhiều khả năng lượng gạo xuất khẩu của ta cũng sẽ vượt Thái Lan. Đây là lần thứ 2 Việt Nam vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo (lần 1 vào tháng 10/2012).

Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2020, xuất khẩu gạo ước đạt 376 ngàn tấn, kim ngạch đạt 182,34 triệu USD, cộng dồn 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu đạt 3,9 triệu tấn gạo, trị giá 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan, Chính phủ nước này đang cân nhắc thay đổi chính sách trong xuất khẩu gạo, nhằm lấy lại đà cạnh tranh với gạo các nước xuất khẩu khác như Việt Nam, Ấn Độ. Các chính sách thay đổi sẽ tập trung vào marketing, giảm chi phí sản xuất, nghiên cứu các giống gạo mới...

Thái Lan sẽ tập trung vào 3 phân khúc, gồm cao cấp (gạo hương, gạo hom mali), đại trà (gạo trắng, gạo đồ...) và đặc biệt (gạo đặc biệt, gạo nếp).

Ngoài ra, Bộ Thương mại Thái Lan sẽ làm việc cùng Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo để tìm kiếm đối tác mới nhằm mở rộng thị trường do gạo nước này vẫn được nhiều đối tác quốc tế quan tâm nhờ chất lượng. Bên cạnh đó, trưởng đại diện các cơ quan Thương vụ của Thái Lan tại nước ngoài cũng được khuyến khích quảng bá, tìm kiếm thị trường tiềm năng.

Báo cáo của Cục chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho thấy, khối lượng gạo xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 đạt gần 3,9 triệu tấn và 1,9 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng nhưng tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 487,6 USD một tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đầu tháng 8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực, mở ra rất nhiều cơ hội cho Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU. Theo đó, mặt hàng gạo của Việt Nam sẽ được miễn thuế xuất khẩu vào EU (80.000 tấn gạo được hưởng ưu đãi thuế).

Hoa Kỳ duy trì vị trí nhà nhập khẩu hàng hóa số 1 của Việt Nam, ước đạt gần 38 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Thứ hai là Trung Quốc đạt gần 24 tỷ USD, tăng 18,4 %. Trong khi đó, xuất khẩu EU giảm 5,9%, đạt 19,5 tỷ USD.

VIÊN VIÊN

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật