Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Làn sóng COVID-19 thứ hai ‘tác động rất ghê gớm’
Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Làn sóng COVID-19 thứ hai ‘tác động rất ghê gớm’. Ảnh: VGP. |
Tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều nay (3/8), vấn đề kinh tế nửa cuối năm, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trở lại được báo chí quan tâm. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng thực tế dự báo tình hình kinh tế trong thời điểm hiện nay là rất khó, ngay cả các tổ chức uy tín quốc tế cũng khó đoán định được trước.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, ngay cả những kế hoạch dự kiến mở cửa lại một số hoạt động cũng buộc phải lùi lại, vì COVID-19 tái phát, hay một số hoạt động vừa mới mở cũng buộc phải đóng.
“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cảnh báo đợt sóng lần thứ hai này không như đợt 1 hồi đầu năm, tác động rất ghê gớm khiến chỉ số kinh tế và sản xuất kinh doanh ảnh hưởng rất nhiều”, Thứ trưởng Phương nói.
Phân tích cụ thể hơn, ông cho biết trong làn sóng dịch lần đầu, việc áp dụng giãn cách xã hội hồi tháng 4 trên phạm vi cả nước đã tác động rất lớn. Kết quả là tăng trưởng quý II rất thấp, chỉ hơn 0,3%.
Trong lần tái bùng phát này, tác động của dịch diễn ra ngay tức thì, nhất là ở hai ngành du lịch và vận tải. Ngành du lịch trong tháng 7 thực sự đã bứt phá so với tháng trước tuy nhiên, tuần cuối cùng ngay lập tức ngưng trệ, khách liên tục hủy tour tuyến để phòng COVID-19.
“Tác động rất ghê gớm. Do đó, đợt này Thủ tướng kiên quyết không để dịch lây lan rộng, để làm sao thực hiện mục tiêu kép kiểm soát dịch và tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Dồn nguồn lực dập dịch và thực hiện mục tiêu kép
Cũng liên quan kinh tế nửa cuối năm trước làn sóng COVID-19 bùng phát trở lại, tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin COVID-19 ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn đối với kinh tế thế giới và sự tác động tới kinh tế trong nước là khó lường trong 6 tháng cuối năm 2020.
Ông cho rằng xu hướng kinh tế toàn cầu các tháng cuối năm 2020 và năm 2021 khó lường trước diễn biến của dịch bệnh. Sự phục hồi của nền kinh tế phải mất nhiều thời gian, và phải phụ thuộc vào kết quả kiểm soát dịch của các nước trên thế giới.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị ưu tiên hàng đầu lúc này là cần tập trung mọi nguồn lực, về tài chính, vật tư, máy móc, trang thiết bị… để phòng, chống, kiểm soát tốt dịch COVID-19, không để dịch lây lan rộng, bảo đảm an toàn và ổn định tâm lý nhân dân.
Đồng thời, cần tiếp tục thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Căn cứ theo tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, xem xét thực hiện hoặc báo cáo việc gia hạn thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp nhằm khắc phục hậu quả của dịch, bảo đảm sản xuất và giữ vững an sinh xã hội.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung nghiên cứu các giải pháp về tài khóa như miễn, giảm, giãn các loại thuế, phí, lệ phí và cân đối thu chi ngân sách Nhà nước.
Bộ cũng đề xuất cần nghiên cứu các chính sách nhằm giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận các nguồn tín dụng. Tập trung các giải pháp về an sinh xã hội, lao động, việc làm…
Thủ tướng nhấn mạnh không để đứt gãy nền kinh tế
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chống dịch quyết liệt và không để đứt gãy nền kinh tế. Ảnh: VGP. |
Kết luận tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng dịch COVID-19 hiện cơ bản trong tầm kiểm soát, nhờ quyết liệt nhưng không hoảng loạn, có kinh nghiệm nhất định trong phòng chống dịch từ lần đầu tiên.
Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không để đứt gãy nền kinh tế, giữ cân đối vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là giữ được các cân đối lớn của nền kinh tế. Có một dấu hiệu đáng mừng về sức khỏe nền kinh tế là hoạt động bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tháng 7 tiếp tục hồi phục, tăng đến 3,3% so với tháng trước và tăng đến 4,3% so với cùng kỳ nhờ chính sách kích cầu tiêu dùng và du lịch nội địa.
Xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua với điểm sáng là khu vực kinh tế trong nước. Chúng ta đã tìm một số thị trường mới, tăng lên về khối lượng. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng với kim ngạch đạt 37,9 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, tiếp đến là Trung Quốc đạt 23,5 tỷ USD, tăng 18,4%.
Điểm sáng nữa là thu hút FDI được cải thiện, 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, giảm hơn so với cùng kỳ nhưng tháng 7 đạt 10,1 tỷ USD, cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam đang tận dụng cơ hội dịch chuyển vốn đầu tư. Giải ngân vốn đầu tư công tháng 7 tăng tích cực nhất, gần 52% so với cùng kỳ năm trước với quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay.
Nhưng Thủ tướng chỉ ra 3 rủi ro, thách thức từ bên ngoài, mà rủi ro lớn nhất vẫn là dịch COVID-19 với diễn biến khó lường, đặc biệt các đối tác quan trọng bị ảnh hưởng nặng nề; thứ hai là căng thẳng thương mại và công nghệ leo thang giữa nhiều nước và thứ ba là địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.
Ví von về sức khỏe nền kinh tế, người đứng đầu Chính phủ nói nếu ốm nặng quá thì gượng dậy rất khó, còn ốm nhẹ thì phải cố gắng gượng dậy.
Tái khẳng định quan điểm không để đứt gãy nền kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết sắp tới sẽ có chỉ thị mới về các biện pháp phòng chống COVID-19 trong giai đoạn hiện nay.