Tại tỉnh miền Trung trong đó có Thừa Thiên Huế, tình hình mưa lũ phức tạp và gây ra nhiều thiệt hại, có những lúc nước dân cao ngập lụt đường đi và nhà cửa. Tuy nhiên, mặc cho chính quyền đã cảnh báo nhưng nhiều người dân vẫn chủ quan, không tuân theo khuyến cáo, thậm chí là còn di dơi khỏi nơi cư trú, lợi dụng cán bộ cứu hộ để làm việc vặt.
Mới đây, trên trang cá nhân của mình, ông Phan Thiên Định – Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã đăng tải một bài viết tỏ thái độ vô cùng bức xúc với ý thức của những đối tượng trên. Theo ông chỉ vì ý thức kém của một số người mà khiến cho quá trình chống lũ thêm khó khăn và lãng phí nhân lực, nguồn lực, đặc biệt là xảy ra nhiều thương vong, mất mát.
Status của ông Phan Thiên Định - Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế |
Nguyên văn status đó như sau:
"Năm nay, lần đầu tiên tỉnh đưa vào hoạt động tổng đài 1900.1075 để tiếp nhận thông tin, hỗ trợ nhân dân phòng chống bão lụt. Rất nhiều yêu cầu, đề nghị cấp thiết của người dân trong bão lụt, thông qua tổng đài, đã được tiếp nhận, xử lý.
Cho dù là ban ngày hay đêm tối, cho dù là lúc tạnh ráo hay ngay trong cơn mưa lũ đang ở mức to nhất, các lực lượng chính quyền, công an, quân đội, y tế, dân quân tự vệ, các tổ tự quản, tình nguyện...cũng đều xông pha, không ngại nguy hiểm để cứu dân, hỗ trợ người dân, đem lại sự an toàn cao nhất có thể cho người dân.
Thế nhưng, đáng tiếc là có một số ít người vẫn có những hành động thiếu ý thức, không đúng mực, ỷ lại, yêu cầu không trung thực làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của lực lượng hỗ trợ.
Nhiều người, khi tạnh ráo hoặc ban ngày cố tình chây ỳ, không tuân thủ những khuyến cáo, yêu cầu di dời của chính quyền, không chủ động phòng chống lũ theo nhắc nhở; đến khi nguy khó, vào lúc nước đã dâng cao, khi đêm tối, phải kêu cứu, gây khó khăn, nguy hiểm cho các lực lượng làm nhiệm vụ và quan trọng hơn là làm mất đi cơ hội để giải quyết các yêu cầu chính đảng của những người dân khác.
Một số người trình bày không trung thực để lợi dụng lực lượng cứu hộ "nhờ" làm những việc rất lặt vặt như đi mua nước uống; chuyển đến ở khách sạn do nhà bị tắt điện; tìm người nhà (đã thành niên) lội lụt đi chơi, đi nhậu lâu chưa về. Có nữ thanh niên đi nhậu đến 2 giờ sáng về bị mắc lụt cũng điện kêu cứu. Hoặc rất nhiều công việc chưa thiết yếu, cấp thiết khác tương tự.
Để giải quyết một yêu cầu của người dân, các đơn vị phải huy động lực lượng nhân lực và phương tiện đôi khi rất lớn. Lực lượng hỗ trợ làm việc liên tục đêm ngày trong suốt thời gian bão lũ kéo dài cũng rất mất nhiều sức lực.
Vậy nên, mong là mỗi người chúng ta cùng nâng cao ý thức chấp hành các khuyến cáo về phòng chống bão lũ, chủ động giải quyết những vấn đề trong khả năng của mình có thể, để dành cơ hội được hỗ trợ cho những hoàn cảnh khó khăn, yếu thế, bất khả kháng.
Diễn biến bão lũ vẫn còn phức tạp. Cùng chung tay, chung ý thức chúng ta sẽ tiếp tục vượt qua thử thách này".
Ngay lập tức, bài đăng đã thu hút sự chú ý, nhiều người cũng tỏ thái độ đồng tình với những chia sẻ của ông Định. Nhiều người dân đã đề nghị chính quyền cần mạnh tay hơn trong việc cưỡng chế một vài trường hợp. Đồng thời dẫn chứng vụ việc sản phụ bị nước lũ cuốn trôi và mong muốn chính quyền lưu ý hơn để đưa các trường hợp chuẩn bị sinh đến các cơ sở y tế đảm bảo an toàn.
Đặc biệt do mất điện nhiều ngày nên nhiều người dân không có phương tiện để theo dõi thông tin từ phía chính quyền, dẫn đến không thể ứng phó kịp. Nhiều người kiến nghị chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế nên có những cách truyền thông phù hợp hơn với tình trạng của người dân trong thiên tai ở hiện tại.