• :
  • :
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lên phương án xét nghiệm nhanh Covid-19 khi mở lại đường bay quốc tế

Các chuyên gia cho rằng cần sử dụng xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể và RT-PCR giám sát nguồn...

Chiều 7/9, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có buổi làm việc cùng đại diện Bộ Y tế, các đơn vị sản xuất kit xét nghiệm nCoV, viện nghiên cứu... để bàn các phương án đảm bảo việc sử dụng sinh phẩm kiểm tra nhanh, đảm bảo thời gian ngắn, chính xác, giá thành hợp lý đối với các trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc đề nghị các nhà khoa học và chuyên gia đề xuất các phương án xét nghiệm, đảm bảo việc không bỏ sót nguồn nhiễm nCoV lây ra cộng đồng khi Việt Nam mở cửa các đường bay quốc tế sắp tới.

Lên phương án xét nghiệm nhanh Covid-19 khi mở lại đường bay quốc tế

Đến nay FDA Hoa Kỳ đã phê duyệt danh mục gồm 176 sinh phẩm phát hiện nCoV, bao gồm 130 sinh phẩm RT-PCR; 40 sinh phẩm miễn dịch (phát hiện kháng thể); 1 sinh phẩm RT-LAMP; 4 sinh phẩm nhanh kháng nguyên và 1 sinh phẩm giải trình tự gene. Tại Việt Nam có 4 loại sinh phẩm, gồm 2 loại kit sử dụng kỹ thuật phát hiện kháng thể kháng nCoV trong máu của bệnh nhân Covid-19 và 2 loại dùng kỹ thuật công nghệ sinh học (RT-PCR) và RT-LAMP để phát hiện virus nCoV. Trong số này có 3 loại được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Bên cạnh đó, còn có một số đơn vị nghiên cứu thành công kit RT-PCR phát hiện ARN của virus nCoV nhưng chưa được cấp phép. Các đơn vị sản xuất đều khẳng định đảm bảo đủ nguồn sinh phẩm xét nghiệm với công suất lên đến hàng chục nghìn test một ngày. Vấn đề còn lại là sử dụng phương pháp xét nghiệm nào để kết hợp nhanh, rẻ và chính xác.

Theo các chuyên gia, khi mở lại đường bay quốc tế, yêu cầu cần thiết nhất là đảm bảo xét nghiệm nhanh, điều này kit phát hiện nhanh có thể đảm bảo được nhưng độ chính xác không cao và không có ý nghĩa chẩn đoán, chỉ phù hợp với nhưng trường hợp không có triệu chứng. Sau đó vẫn cần phải xét nghiệm lại bằng RT-PCR mới khẳng định chính xác trường hợp âm hay dương tính với nCoV.

Ông Vũ Đình Hiệp, Đại diện Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, cho biết trong trường hợp tìm kiếm các ca nhiễm còn sót ở cộng đồng thì kit test nhanh sẽ phát huy tác dụng nhưng vẫn phải dùng xét nghiệm PCR. Ông Hiệp kiến nghị trước hết nên đặt phòng Lab tại sân bay Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và cửa khẩu. 

Nhiều bệnh viện dã chiến đã có Lab và có thể sử dụng phương pháp trộn mẫu. Theo tính toán, giá xét nghiệm một mẫu là 20 USD (test nhanh là 17,5 USD một mẫu). 

GS.TS Lê Bách Quang, Chương trình Khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước cho rằng, việc quyết định sử dụng phương pháp nào thuộc về các nhà quản lý nhưng ông mong muốn các đơn vị sản xuất trong nước cùng ngồi lại với nhau để xây dựng một sản phẩm mang tầm quốc gia đảm bảo được cả chất lượng và giá thành.

Đại diện Cục Y tế dự phòng Cục Khoa học công nghệ và Đào Tạo (Bộ Y tế) hy vọng các các nhà khoa học, đơn vị sản xuất cùng tính toán lại để tạo ra kit thử tăng độ nhạy, độ đặc hiệu, đảm bảo sàng lọc không bỏ sót ca bệnh. Bộ Y tế cũng xây dựng quy trình chuẩn trong tình hình mới trình Chính phủ, đảm bảo thực hiện các xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm các ca nhiễm, nghi nhiễm, tránh lây lan cộng đồng.

Các ý kiến góp ý sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế tổng hợp báo cáo Chính phủ vào chiều thứ 4 tới.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật