• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lo ngại tình trạng cưỡng ép nếu cho phép đăng ký kết hôn, ly hôn qua online

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có lộ trình rõ ràng với việc cấp giấy chứng...

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần có lộ trình rõ ràng, đảm bảo tính khả thi về mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn…

Tại phiên thảo luận tại tổ (sáng 2/11) về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Vương Quốc Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, bày tỏ đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi luật hiện hành nhắm khắc phục những hạn chế, bất cập, cũng như bắt kịp những thay đổi, phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin.

  Đại biểu Vương Quốc Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thảo luận tại tổ. Ảnh HH

Đại biểu Vương Quốc Thắng, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, thảo luận tại tổ. Ảnh HH

Về nội dung mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với "Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các bất động sản khác, văn bản về thừa kế, giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử, hối phiếu và các giấy tờ có giá khác", đại biểu Vương Quốc Thắng băn khoăn với lộ trình đảm bảo tính khả thi để thực hiện nội dung này. Cụ thể như về việc quy định cho đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn qua mạng Internet có thể xảy ra hệ luỵ, bởi trên thực tế có nhiều trường hợp kết hôn hoặc ly hôn có thể không thể hiện ý chí, sự đồng thuận của 2 bên.

Việc đăng ký kết hôn trực tiếp tại UBND cấp xã, có sự chứng kiến của cán bộ tư pháp, lãnh đạo UBND cấp xã, thì cơ quan quản lý có thể thấy được sự tự nguyện của 2 bên làm thủ tục kết hôn. Nhưng nếu đăng ký kết hôn trực tuyến, không có mặt tại trụ sở UBND xã, có thể diễn ra tình trạng cưỡng ép kết hôn, đặc biệt là vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cán bộ cơ quan quản lý không thấy được sự tự nguyện, sẽ xảy ra những hệ lụy đáng tiếc.

Cũng về nội dung này, đại biểu Lê Hoàng Hải, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, đề nghị cần cân nhắc về lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi đối với một số ngành, lĩnh vực có thủ tục hành chính phức tạp cần lộ trình để chuyển đổi giao dịch điện tử như: tư pháp, đất đai, đấu thầu, xây dựng, quy hoạch… các giấy tờ như: giấy đăng ký kết hôn, quyết định ly hôn, khi cấp cần phải có mặt của những người có liên quan để thể hiện ý chí cá nhân một cách tự nguyện, không bị áp đặt hoặc chi phối bởi người khác; một số giấy tờ có thông tin liên quan đến "đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình" mà theo quy định tại Điều 21 của Hiến pháp là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo đảm an toàn.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, cũng cho biết thêm, nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng chưa chưa công nhận giao dịch điện tử ở lĩnh vực đất đai, thừa kế.

Về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử (Điều 35) đại biểu đề nghị bổ sung các quy định về một số nội dung như thời điểm hiệu lực, điều kiện hiệu lực của hợp đồng, quy định trường hợp hợp đồng vô hiệu, cách thức xử lý trong trường hợp phát sinh lỗi khi nhập thông tin trong giao kết hợp đồng điện tử để đảm bảo giá trị pháp lý của Hợp đồng điện tử.

Về chữ ký điện tử, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cần phân biệt rạch ròi giữa "Chữ ký số dùng riêng, Chữ ký số công cộng, Chữ ký số chuyên dùng cho Chính phủ". Nghiên cứu thay tên Điều 26 "Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ" bằng "Chữ ký số chuyên dùng công vụ" để phù hợp với phạm vi sử dụng chữ ký số chuyên dùng hiện nay gồm cả cơ quan Đảng, Quốc hội, tổ chức chính trị - xã hội.

PVH/Phụ nữ Việt Nam

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật