• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật giao thông đường bộ bỏ quy định cấp bằng lái xe?

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ vấn đề này.

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, chiều 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Bộ trưởng Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trình bày tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tại phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai dự án Luật, là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, đại diện cơ quan thẩm tra cho biết: Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tách thành hai dự án Luật. Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện các vấn đề liên quan đến giao thông đường bộ, từ đó tách thành hai nội dung lớn, là giao thông đường bộ và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đồng thời xây dựng thành hai dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Trong đó, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông đường bộ, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ cân nhắc kỹ vấn đề này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình chỉ rõ: Thực tế hiện nay có lĩnh vực tách ra 2 luật, để 2 bộ quản lý, dẫn đến sự thống nhất trong quản lý hệ thống rất phức tạp.

“Có trường hợp tách ra làm 2 bộ đi theo 2 hướng khác nhau. Mỗi bộ đều chứng minh có thế mạnh riêng, từ đó không thống nhất được. Do đó, cần cân nhắc việc tách ra để dễ quản lý, hay chỉ làm một luật để điều chỉnh tổng thể trong một lĩnh vực. Chính phủ có nhiệm vụ điều phối các bộ, ngành thực hiện”, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nêu vấn đề.

 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Cùng chung băn khoăn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, hiện nay có 5 luật giao thông, gồm Luật Giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thủy nội địa.

Theo bà Nga, về thực chất, các luật này là kết cấu tổng thể mà một trong các mục tiêu là đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong các lĩnh vực đó. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp bày tỏ băn khoăn về việc tách giao thông với đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

“Theo Tờ trình, dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) gồm kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông, quản lý an toàn phương tiện… Tuy nhiên, hệ thống báo hiệu đường bộ để cho người dân đi đúng, và một trong những mục tiêu là đảm bảo trật tự. Tổ chức giao thông, quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông cũng đảm bảo trật tự”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phân tích.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định: Giao thông vận tải nói chung, trong đó giao thông đường bộ có vai trò đặc biệt quan trọng, là mạch máu của nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trước những tồn tại, hạn chế và sự phát triển cả về số lượng, phương thức, lĩnh vực giao thông đường bộ hiện nay, việc ban hành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là sự cần thiết, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất để điều chỉnh các hoạt động giao thông đường bộ thông suốt, an toàn, hiệu quả.

Về cơ bản, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã phân tách, đảm bảo được mức độ nhất định, tính riêng biệt so với Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để tránh những chồng chéo, trùng lắp giữa 2 Luật.

Những vấn đề liên quan bổ trợ cho nhau giữa hai lĩnh vực cũng cần phải quy định, để đảm bảo có tính liên thông, đồng bộ trong chính sách liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ nói chung.

"Hai Luật tuy điều chỉnh các nội dung khác nhau nhưng đều phải đặt trong tổng thể xây dựng, phát triển và đảm bảo trật tự giao thông đường bộ. Nhiều quy định vì có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau, do đó một mặt vừa phải bảo đảm tính cụ thể, một mặt lại phải làm rõ được tính tương trợ, tương hỗ qua lại giữa các quy định.

Xuất phát từ vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc rất kỹ vấn đề tách luật giao thông đường bộ thành 2 luật, để đảm bảo tính thống nhất, tổng thể trong hệ thống pháp luật", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo làm rõ thêm vấn đề này.

"Nếu tách nội dung của Luật Giao thông đường bộ thì liên quan đến Luật Đường sắt, đường thủy nội địa, Luật Hàng không có tách vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông không? Nếu quy định tổng thể trong một loạt và giao Chính phủ điều hành để đảm bảo thống nhất thì có đảm bảo không? Kinh nghiệm của các nước trên thế giới như thế nào? Vấn đề này cần phải tiếp tục làm rõ", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ chỉ rõ.

(Nguồn: TTXVN)

TRÚC BÌNH

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật