Quy định này trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người ( HIV /AIDS), được Quốc hội thông qua chiều 16/11, theo VnExpress.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021.
Theo đó, những người được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục về phòng chống HIV gồm người nhiễm, người dùng ma túy, bán dâm, có quan hệ tình dục đồng giới, chuyển đổi giới tính; vợ, chồng và thành viên gia đình khác sống chung với người nhiễm; người có quan hệ tình dục; phụ nữ mang thai...
Đại biểu bấm nút thông qua dự thảo luật, nghị quyết tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 14. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Kết quả xét nghiệm HIV dương tính được thông báo cho người được xét nghiệm; vợ hoặc chồng; cha, mẹ hoặc người giám hộ của người được xét nghiệm dưới 18 tuổi, mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức...
Kết quả xét nghiệm HIV còn được thông báo đến người trực tiếp tư vấn cho người nhiễm; người đứng đầu, điều dưỡng viên của cơ sở y tế có người nhiễm điều trị; nhân viên y tế chăm sóc người nhiễm...
Quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai.
Người được cấp miễn phí thuốc kháng HIV gồm người bị phơi nhiễm với HIV, nhiễm HIV do tham gia cứu nạn; người nhiễm HIV tại cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội và nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.
Trước đó, theo quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống HIV/AIDS là yêu cầu cần thiết để bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS, theo CAND.
Cụ thể là, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.
(Tổng hợp)