• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật sư lý giải vì sao khó xử lý Ngô Hoàng Anh về hành vi quấy rối tình dục

Theo luật sư, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa có khái niệm cụ thể như thế nào là "quấy...

Vừa qua, dư luận xôn xao về thông tin Ngô Hoàng Anh (22 tuổi, người trẻ nhất trong danh sách Forbes Under 30) bị tố gạ tình nhiều nữ sinh ở độ tuổi 15-19 qua tin nhắn và lặp lại nhiều lần trong thời gian dài.

Trao đổi về sự việc này, tiến sĩ Luật học Đặng Văn Cường cho biết quấy rối tình dục ở nhiều nước là khái niệm pháp lý thông dụng nhưng ở Việt Nam, khái niệm này chỉ mới được sử dụng ở lĩnh vực xã hội. Pháp luật hiện hành chưa có khái niệm cụ thể như thế nào là "quấy rối tình dục".

"Những hành động như tiếp xúc, đụng chạm cơ thể hoặc xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể xác định là hành vi dâm ô, làm nhục và bị xử lý theo chế tài của pháp luật hiện hành. Hành vi quấy rối tình dục hiện chưa có khái niệm cụ thể, do đó việc xác định và áp dụng chế tài để xử lý còn gặp nhiều khó khăn", ông Cường phân tích.

          Ngô Hoàng Anh. Ảnh chụp từ trang chủ Forbes.

Ngô Hoàng Anh. Ảnh chụp từ trang chủ Forbes.

Theo chuyên gia, hành vi quấy rối tình dục gần đây đã bắt đầu được nhắc đến trong lĩnh vực lao động và có chế tài hành chính.

Cụ thể, Điều 11 Nghị định 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định phạt tiền 15-30 triệu đồng với hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là điểm mới của Nghị định này so với văn bản cũ đã bị thay thế là Nghị định 28/2020/NĐ-CP, trong đó hành vi quấy rối tình dục chỉ bị xử lý kỷ luật lao động tương ứng với hình thức xử lý đã được quy định trong nội quy lao động hoặc bị xử lý hình sự về tội Làm nhục người khác nếu hành vi bị xác định là nghiêm trọng.

Ông Cường cho biết hành vi làm nhục người khác là mức độ biểu hiện cao nhất của hành vi quấy rối tình dục theo khái niệm chung của quốc tế. Trong khi đó, phần lớn sự việc chưa có tính nghiêm trọng tới mức phải xử lý hình sự.

Ngoài ra, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định mức phạt 5-8 triệu đồng với hành vi sàm sỡ, quấy rối tình dục nhưng pháp luật mới quy định chế tài, chưa xác định rõ khái niệm cụ thể về hành vi này. Điều này dẫn đến nhiều tranh cãi, khiến việc áp dụng các hình thức xử phạt gặp nhiều khó khăn.

Theo Điều 147 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào đủ 18 tuổi trở lên mà lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người dưới 16 tuổi trình diễn khiêu dâm hoặc trực tiếp chứng kiến việc trình diễn khiêu dâm dưới mọi hình thức sẽ bị xử lý về tội Sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.

Nghị quyết 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao quy định "trình diễn khiêu dâm" là hành vi dùng cử chỉ, hành động, lời nói, chữ viết, ký hiệu, hình ảnh, âm thanh nhằm kích thích tình dục người dưới 16 tuổi; phô bày bộ phận sinh dục, bộ phận nhạy cảm, khỏa thân, thoát y hoặc thực hiện các động tác mô phỏng hoạt động tình dục dưới mọi hình thức.

TS Cường cho biết, để có căn cứ xử lý hình sự, cần xác định được người này có hành vi trình diễn khiêu dâm, tức quay clip sex để gửi hoặc chat sex dưới dạng hình ảnh, video và có từ ngữ, hành động, cử chỉ nhằm kích dục nạn nhân. Nếu gạ gẫm và nhắn tin, hành vi này chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự. Nếu đủ căn cứ, chỉ có thể xử lý người này về hành vi 'quấy rối tình dục' theo Nghị định 144/2021 với mức phạt tối đa 8 triệu đồng. 

Ông Cường cũng đề nghị trong quá trình sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cần nghiên cứu đưa ra một hệ thống khái niệm pháp lý hoàn chỉnh, làm cơ sở để nhận diện, xác định hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến vấn đề tình dục, tạo tiền đề để xử lý, răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật