Nhận định mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ ngày 7 đến 12/1/2021, một đợt không khí lạnh mạnh sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ. Ở Bắc bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh xảy ra rét đậm, rét hại, nhất là tại các tỉnh: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn.
Đặc điểm của đợt rét đậm, rét hại sắp tới
- Giai đoạn đầu từ đêm 7 - 10/1: Trời rét kèm ẩm, nhiệt độ ban đêm và ban ngày đều thấp, trời không có nắng, nhiệt độ trung bình ngày thấp hơn đợt rét đậm, rét hại thứ 2; cảm giác rét hơn đợt thứ 2 vừa rồi rất nhiều. Lần đầu tiên trong mùa đông năm nay, Trung Tâm Dự Báo Khí Tượng Thủy Văn Quốc Gia đưa ra cảnh báo khả năng xảy ra tuyết ở vùng núi trong đợt này: Khu vực có khả năng cao nhất là vùng núi cao thuộc Lào Cai, Lai Châu.
Khả năng xuất hiện băng giá , sương muối ở vùng núi cao miền bắc. Ảnh minh họa |
- Giai đoạn thứ 2 từ ngày 11 - 13/1: Không khí lạnh được tăng cường thêm, nhưng sẽ chuyển sang trạng thái rét khô, ban đêm nhiệt độ thấp, rét buốt, ban ngày nắng, nhiệt độ cao nên cảm giác không rét bằng giai đoạn đầu. Giai đoạn thứ 2 này tương tự đợt thứ 2 vừa qua. Trong thời kỳ này cần chú ý khả năng băng giá, sương muối ở vùng núi cao.
Biện pháp ứng phó với trời rét
Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn khuyến cáo:
- Các địa phương, trường học lưu ý chủ động cho học sinh nghỉ học tránh rét, đặc biệt các vùng núi.
- Người dân cần kiểm tra, gia cố chuồng trại, đặc biệt là phía đón gió, tích cực kiểm tra sức khỏe gia súc, bổ sung muối, thức ăn tinh trong khẩu phần.
- Đối với rau màu ngắn ngày, nếu đến thời kỳ thu hoạch thì thu hoạch ngay. Các diện tích khác, phun nước trên mặt lá làm rụng, tan hạt sương tránh hiện tượng cháy lá khi có ánh nắng xuyên qua.
- Người dân cũng cần xem xét khả năng khi đi làm đồng, làm nương, không nên thực hiện khi nhiệt thấp dưới 10 độ C, đi làm trễ hơn, về sớm hơn.
- Đối với người già và trẻ em cần đặc biệt quan tâm và giữ nhiệt ấm, không nên ra ngoài thường xuyên hoặc ở ngoài quá lâu, tiếp xúc với mức nhiệt quá thấp. Khi có biểu hiện lạ, liên hệ ngay tới cơ sở y tế gần nhất.
Học sinh sẽ được nghỉ học tránh rét. Ảnh minh họa |
Tác động khác của đợt không khí lạnh ngày 7/1/2021:
- Trên biển: Gió mạnh cấp 7, có nơi cấp 8, giật cấp 9, cấp 10 trên toàn bộ vùng biển vịnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ trong ngày 7 và 8/1; nguy cơ cao ảnh hưởng đến các tàu thuyền đánh bắt hải sản có công suất nhỏ hoạt động trên vịnh Bắc Bộ; gió mạnh và sóng lớn từ gió đông bắc mạnh trên khu vực Trung Bộ có nguy cơ xảy ra sạt lở bờ biển; đặc biệt tại Bình Thuận (khu phố 14, thị trấn Liên Hương, huyện Tuy Phong) và Phú Yên (khu vực ven biển huyện Tuy An).
- Trên đất liền: Không khí lạnh kèm mưa nhỏ sẽ gây nên một đợt rét đậm, rét hại diện rộng trên khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ đêm 7/1 đến đêm 10/1 là khoảng thời gian có nguy cơ cao tác động mạnh đến sức khỏe và hoạt động sản xuất nông nghiệp của con người. Gia súc, gia cầm, vật nuôi trên khu vực các tỉnh vùng núi, các hoạt động du lịch kèm theo…
Để chủ động ứng phó với các đợt thiên tai do không khí lạnh gây nên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành chủ động biện pháp ứng phó và tập trung vào các nội dung:
Yêu cầu các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết , diễn biến không khí lạnh, rét đậm, rét hại; tăng cường thời lượng phát tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là hệ thống thông tin, truyền thông cơ sở để chính quyền các cấp, người dân, nhất là ở vùng cao biết, chủ động phòng chống.
Đồng thời, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ tập trung chỉ đạo triển khai các biện pháp:
- Đảm bảo an toàn cho người già, trẻ nhỏ, học sinh, nhất là tại các trường nội trú như hạn chế hoạt động dưới trời lạnh, mặc đủ ấm, không dùng bếp than để sưởi ấm trong phòng kín;
- Che chắn, giữ ấm cho vật nuôi, cây trồng, thủy sản nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại về sản xuất, chú trọng đàn đại gia súc và các cơ sở chăn nuôi tập trung ở khu vực đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
- Căn cứ tình hình thời tiết cụ thể, các địa phương chủ động cho học sinh nghỉ học.
(Nguồn: Chính Phủ)