Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước ( NHNN ), đến 25/5, tất cả các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỷ đồng.
Tại hội nghị về tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được NHNN tổ chức ngày 29/5 tại TP.HCM, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, dịch bệnh đã ảnh hưởng tiêu cực lên mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, tác động đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Hội nghị về tăng cường triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 do NHNN tổ chức tại TPHCM. Ảnh: VGP |
Đối với hoạt động ngân hàng, do tác động của dịch, tín dụng những tháng đầu năm có xu hướng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước: tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07%, tháng 3 tăng 1,1%, tháng 4/2020 tăng 1,42% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 4,44%). Đến ngày 20/5, dư nợ tín dụng tăng 1,32%.
Ảnh hưởng của dịch bệnh dẫn đến khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ ngân hàng đúng hạn, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tập trung vào các ngành như công nghiệp chế biến-chế tạo, vận tải, dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch, giáo dục và đào tạo..., tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.
Theo thống kê của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, đến 25/5, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 223 nghìn khách hàng với dư nợ hơn 151 nghìn tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 320 nghìn khách hàng với dư nợ gần 1,14 triệu tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt trên 767 nghìn tỷ đồng cho hơn 196 nghìn khách hàng (lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5%) so với trước dịch.
Về điều hành lãi suất, tiếp theo 2 đợt điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất từ cuối năm 2019, từ khi có dịch đến nay, NHNN tiếp tục thực hiện 2 đợt điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành (ngày 17/3 và 12/5) với tổng mức giảm 1,5%/năm, giảm thêm 1% trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên (hiện ở mức 5,0%/năm) nhằm ổn định và giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.
Về giảm phí thanh toán, ông Hùng cho biết, công ty chuyển mạch quốc gia NAPAS và Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia đã miễn, giảm phí chuyển mạch, giảm mức thu dịch vụ thông tin tín dụng trên quy mô lớn giúp giảm chi phí giao dịch cho khách hàng và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Đã có 100% ngân hàng thành viên của NAPAS tham gia chương trình miễn, giảm phí giao dịch cho khách hàng khi chuyển tiền liên ngân hàng. Sau 02 lần giảm phí, tổng số tiền phí thanh toán liên ngân hàng mà các ngân hàng đã miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Trước đó, vào đầu 5/2020 có 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (Agribank, Vietcombank, VietinBank, BIDV) đã giảm lãi vay từ 1,5 - 2 %/năm trong gói tín dụng ưu đãi hàng chục ngàn tỷ đồng. Nhiều ngân hàng khác cũng tung các gói vay ưu đãi hỗ trợ cho cá nhân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Nguồn: Báo Chính phủ