Cổ phiếu tăng 74% trong 1 tuần
Kết thúc phiên giao dịch 5/3, cổ phiếu DAP - Vinachem (UPCoM: DDV) đóng cửa tại mức giá trần 16.500 đồng/cp, tương đương với mức tăng gần 74% trong tuần vừa qua. Đây cũng là đỉnh lịch sử của cổ phiếu ngành phân bón này.
Thanh khoản tuần qua cũng được cải thiện lên 1,5 triệu cổ phiếu/phiên, so với mức bình quân 36.000 cổ phiếu/phiên trong năm gần nhất. Đáng chú ý trong phiên 2/3, DDV còn có thêm giao dịch thỏa thuận gần 18,1 triệu cổ phiếu với giá trị hơn 166 tỷ đồng.
Cổ phiếu DDV ghi nhận giá và thanh khoản kỷ lục. Đồ thị: TradingView. |
Trong cơ cấu cổ đông hiện nay, Vinachem đang là công ty mẹ nắm giữ 64% vốn. Các cổ đông lớn khác có Thiết bị điện Gelex nắm giữ gần 18,1 triệu cổ phiếu DDV, tỷ lệ 12,38% (đúng bằng lượng thỏa thuận phiên 2/3) và CTCP Mua bán nợ Thế Hệ Mới có 10 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 6,84%.
Ngoài ra công ty đang có biến động cổ đông khác khi ông Hoàng Mạnh Thắng (Người đại diện phần vốn cho Vinachem) đăng ký bán toàn bộ 500.000 cổ phiếu DDV của cá nhân trong tháng 3. Bà Nguyễn Thùy Liên (vợ ông Nguyễn Hoàng Trung – người công bố thông tin) đăng ký bán 8.500 cổ phiếu từ 8/3.
Hưởng lợi từ tăng sản lượng và giá bán
Ngoài biến động cổ đông, cổ phiếu DDV còn được hỗ trợ bởi thông tin giá phân bón các loại tăng lên từ cuối năm 2020 khi nhu cầu từ các nước sản xuất ngũ cốc, ngô, đậu tương… tăng mạnh và nguồn cung trên thế giới bị thắt chặt bởi Covid-19.
Chứng khoán FPT cho biết giá phân DAP thế giới cuối năm ngoái khoảng 365 USD/tấn, tăng 52%. Giá DAP tăng mạnh do giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao, cụ thể như giá lưu huỳnh (nguyên liệu chính sản xuất DAP) đã tăng 75% trong năm 2020. Ngoài ra, sự gián đoạn sản xuất ở một số tỉnh của Trung Quốc, là nước sản xuất DAP lớn nhất thế giới, cũng làm ảnh hưởng đến sản lượng DAP toàn cầu.
Báo Công thương dẫn thông tin giá thành DAP của DAP-Vinachem từ tháng 11/2020 đến nay đã tăng gần 1,51 triệu đồng/tấn, tuy nhiên công chỉ mới điều chỉnh giá từ tháng 2/2021 với mức tăng 900.000 đồng/tấn để góp phần bình ổn thị trường trong nước.
Sản lượng DAP Vinachem sản xuất 2 tháng đầu năm đạt trên 46.190 tấn, tăng 163% so với cùng kỳ năm 2020. DAP Lào Cai cũng có mức tăng trưởng về sản lượng tương ứng. Kế hoạch tháng 3-4, DAP Đình Vũ duy trì sản xuất với sản lượng cao, dự kiến mỗi tháng ra thị trường 24.000 – 26.000 tấn. Cộng cả sản lượng của DAP Lào Cai, nguồn cung sản xuất trong nước sẽ duy trì ở mức 48.000 – 50.000 tấn/tháng.
Doanh nghiệp chủ chốt ngành phân DAP
DAP – Vinachem được thành lập năm 2008, trực thuộc Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem). Doanh nghiệp trở thành công ty đại chúng và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM kể từ tháng 6/2015 đến nay. Vốn điều lệ hơn 1.461 tỷ đồng.
Đây là đơn vị chuyên sản xuất phân bón với thương hiệu DAP Đình Vũ, công suất nhà máy 300.000 tấn/năm. Ngoài ra, công ty còn có nhà máy sản xuất axit sunfuric công suất 414.000 tấn/năm và nhà máy axit photphoric công suất 162.000 tấn/năm.
Năm 2016, công ty bất ngờ lỗ lớn gần 470 tỷ đồng khi giá DAP giảm sâu, nguyên nhân chủ yếu do thị trường dư cung lớn bởi hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước mất lợi thế bởi Luật Thuế số 71/2014 liên quan đến thuế giá trị gia tăng. DAP – Vinachem bị đưa vào danh sách 12 dự án yếu kém của ngành công thương.
Việc tái cấu trúc sản phẩm để giảm giá thành và quản trị chi phí sau đó giúp doanh nghiệp có lãi trở lại. Năm 2018, sau khi trả được lãi gốc VDB và giá bán sản phẩm tăng trở lại, công ty báo lãi lớn 227 tỷ đồng. Dù vậy do yếu tố quá khứ, lỗ lũy kế vẫn còn hơn 194 tỷ đồng tại cuối năm 2020.
DAP – Vinachem và DAP Lào Cai hiện là 2 nhà sản xuất phân bón DAP lớn nhất cả nước, có cùng công suất nhà máy 330.000 tấn/năm và cùng thuộc Vinachem. Năm 2020, sản lượng sản xuất của DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai là 396.000 tấn. Hiện tổng công suất thiết kế của các nhà máy DAP trong nước là 810.000 tấn/năm.
Ngoài sản xuất thì nguồn cung DAP còn đến từ nhập khẩu. Số liệu của Cục Phòng vệ thương mại cho thấy Việt Nam nhập khẩu khoảng 800.000 – 1 triệu tấn phân bón DAP mỗi năm, chủ yếu từ Trung Quốc. Năm 2020, Tổng cục Hải quan ghi nhận sản lượng DAP nhập khẩu tăng 15,7%.