Sáng 15/10, tại nhiều chốt cửa ngõ vào Hà Nội vẫn hoạt động nhưng không còn thực hiện kiểm soát phương tiện hay kiểm tra giấy tờ của người dân muốn đi vào thành phố như chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, chốt kiểm soát đoạn giáp ranh huyện Sóc Sơn (Hà Nội) - TP Phúc Yên (Vĩnh Phúc), chốt kiểm soát dịch ở quốc lộ 18, đoạn giáp ranh giữa Sóc Sơn - huyện Yên Phong. Sáng cùng ngày, lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết chốt kiểm soát dịch Covid-19 số 8 đặt tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được tạm rút bỏ.
Chốt kiểm soát cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ |
Ngày 15-10, UBND tỉnh Lâm Đồng cho phép người đến từ các tỉnh, thành khác thuộc khu vực cấp 1, cấp 2 được vào địa phương và không phải thực hiện cách ly tập trung. Đối với người đến từ khu vực nguy cơ cao (cấp 3, cấp 4) được cách ly tại nhà nếu đảm bảo một số điều kiện.
Người đến hoặc về tỉnh Bắc Giang từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) không phải xuất trình kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2, không lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 khi vào tỉnh. Tuy nhiên, trường hợp có biểu hiện sốt, ho, khó thở, mất khứu giác, đau đầu… vẫn phải lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 theo quy định.
Người nhập cảnh đã tiêm 2 mũi vắc xin hoặc người đã điều trị khỏi COVID-19 vẫn phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày và test RT-PCR 3 lần, sau đó tự cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo và kết thúc bằng test COVID-19 vào ngày cuối cùng. Trường hợp còn lại cách ly 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR ít nhất 3 lần và thực hiện cách ly sau đó theo quy định.
Người dân đi/đến tỉnh Bắc Giang, Sơn La từ vùng xanh, vàng, cam vẫn phải tuân thủ thông điệp 5K - Ảnh: CHÍ TUỆ |
Sơn La chỉ yêu cầu người đến hoặc trở về Sơn La từ vùng xanh (cấp 1), vùng vàng (cấp 2), vùng cam (cấp 3) khai báo y tế, quét QR Code theo quy định. Người đến/trở về từ vùng đỏ (cấp 4) phải khai báo y tế và có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong 72 giờ . Người đến từ vùng đỏ (cấp 4) kể cả tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 hay khỏi bệnh COVID-19 trong 6 tháng thì vẫn phải theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày và xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh/RT-PCR, tuân thủ 5K suốt quá trình trên.
Người đến/về từ vùng cam (cấp 3) thì khi tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19 thì phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày và tuân thủ 5K trong suốt quá trình trên. Người chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 liều vắc xin thì tự cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày, sau đó tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và xét nghiệm 2 lần bằng test nhanh/RT-PCR.
Tỉnh An Giang, tài xế và người đi cùng (nếu có) phải đảm bảo cam kết và có đơn đăng ký di chuyển (có thể đánh máy hoặc viết tay) gửi cơ quan có thẩm quyền. Người điều trị khỏi bệnh COVID-19 dưới 180 ngày (có giấy chứng nhận xuất viện sau điều trị) hoặc đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã tiêm 1 mũi ít nhất 14 ngày (có giấy xác nhận tiêm chủng) hoặc chưa tiêm, có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 bằng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng thể có giá trị trong 24h hoặc xét nghiệm RT-PCR có giá trị trong vòng 72h (kể từ thời điểm lấy mẫu).
Các giấy tờ chứng minh mục đích di chuyển. Khi di chuyển phải khai báo y tế đầy đủ và thực hiện đúng mục đích di chuyển theo nội dung đơn đăng ký. Nêu cụ thể phương tiện di chuyển, biển số xe.
Đối với các tổ chức, cá nhân đến An Giang với mục đích công tác, làm việc, học tập, đầu tư, kinh doanh… phải xuất trình thư mời, kế hoạch công tác, chương trình làm việc tại tỉnh (hoặc văn bản chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố nơi đi cho phép đến An Giang).
Đối với cán bộ trong cơ quan nhà nước và công dân đang làm việc tại An Giang đi ra ngoài tỉnh với mục đích công vụ, kinh doanh, học tập, điều trị bệnh, trở về gia đình, các công việc đột xuất khác và quay trở về tỉnh An Giang phải theo dõi sức khỏe tại nhà 2 tuần.
Từ sáng 15-10, nhiều chốt kiểm soát dịch COVID-19 ở những cửa ngõ ra vào trung tâm TP Phan Thiết, Bình Thuận gỡ bỏ. Các chốt đặt ở khu vực các cầu Trần Hưng Đạo, Lê Hồng Phong, Dục Thanh… kiểm soát người dân qua lại sông Cà Ty vì hai bên cầu đang là những vùng có cấp độ dịch khác nhau.
Tại Bình Phước từ 0h ngày 16-10 giao thông công cộng nội tỉnh gồm: xe khách tuyến cố định, xe buýt, taxi, xe đưa rước công nhân, học sinh, xe hợp đồng được hoạt động với 50% số chỗ ngồi.
Người về Huế từ vùng xanh (cấp độ 1) được khuyến cáo có kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ (không bắt buộc); thực hiện khai báo y tế, quét mã QR; tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về đến địa phương; xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch của cơ quan y tế.
Người từ vàng (cấp 2) về Huế cũng được yêu cầu tương tự như người từ vùng xanh về. Tuy nhiên với người được tiêm 2 mũi vắc xin hoặc có giấy chứng nhận khỏi bệnh COVID-19 thì cách ly tại nhà 7 ngày. Với người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì phải tự cách ly 7 ngày tại nhà và sau đó theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày.
Vời người đến từ vùng đỏ, cam khi về Huế được yêu cầu có giấy xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Đồng thời trong quá trình cách ly, theo dõi sức khỏe sau đó sẽ tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm PCR và test nhanh.
Với người về từ vùng cam (cấp 3) tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh thì sẽ cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe thêm 7 ngày sau đó. Với người chưa tiêm đủ 2 mũi vắc xin thì cách ly tại nhà 14 ngày, theo dõi sức khỏe 14 ngày sau đó.
Với người về từ vùng đỏ (cấp 4) tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc khỏi bệnh thì cách ly tại nhà 7 ngày, theo dõi sức khỏe 7 ngày sau đó. Với người tiêm chưa đủ 2 mũi vắc xin thì sẽ cách ly tập trung 14 ngày và tiếp tục cách ly tại nhà 7 ngày sau đó.
Kể từ ngày 15-10, người dân vào tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ cần khai báo y tế trực tuyến tại các chốt kiểm soát, không cần sự phê duyệt của chính quyền địa phương như trước đây.