• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam

Việt Nam đã và đang nỗ lực nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, tìm cách tiếp cận với...

2022 là một năm thăng hoa của ngành gạo Việt Nam, không chỉ giữ vị trí hàng đầu thế giới về sản lượng gạo xuất khẩu mà giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và công sức của người nông dân.

Gạo Việt Nam, khi giá trị tỉ lệ nghịch với khối lượng

Tính đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu gạo đạt gần 6,7 triệu tấn, mang về hơn 3,2 tỷ USD, tăng 23% về giá trị và sản lượng so với cùng kỳ năm 2021. Dự kiến sản lượng gạo xuất khẩu sẽ vượt mốc 7 triệu tấn trong năm nay.

Nguyên nhân chính khiến sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng cao là do: Thứ nhất, tình trạng biến đổi khí hậu, hạn hán ở các nước châu Á, Mỹ và châu Âu đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Thứ hai, việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo và áp thuế 20% lên toàn bộ gạo xuất khẩu của nước này tạo cơ hội cho ngành xuất khẩu gạo của Việt Nam, đặc biệt là trong những tháng cuối năm.

Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng duy trì ở mức cao. Trong tháng 10/2022, gạo 5% tấm của Việt Nam bình quân đạt 425 - 430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Mức giá này cao hơn gạo cùng loại của Ấn Độ 48 - 51 USD/tấn và Thái Lan 18 - 23 USD/tấn.

Mặc dù đạt kết quả ấn tượng về sản lượng, nhưng giá trị kim ngạch mà xuất khẩu gạo mang lại chưa thực tương xứng với tiềm năng và công sức của người nông dân.

Theo GS. TS Nguyễn Thị Lang - Viện trưởng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long, gạo Việt Nam chủ yếu xuất khẩu ở phân khúc trung bình tập trung ở các thị trường như Phillipines, Indonesia, Trung Quốc… gạo chất lượng cao chiếm tỷ trọng nhỏ nên dù sản lượng gạo xuất khẩu đạt kỷ lục cao, giá trị thu về cũng tăng nhưng chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và công sức của người trồng lúa.

Những giải pháp nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam

Không thể phủ nhận là Việt Nam đã và đang có nhiều nỗ lực nhằm nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam, tìm cách tiếp cận với các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.

EVFTA là đòn bẩy giúp gạo Việt rộng cửa hơn vào các thị trường châu Âu cao cấp, khởi sắc việc xuất khẩu cả về số lượng và giá trị nhờ giảm phí trung gian và miễn-giảm thuế. Từ đó, doanh nghiệp Việt sẽ có điều kiện để tập trung vào chất lượng, đẩy mạnh phát triển thương hiệu gạo.

Nhưng hiện Việt Nam vẫn chưa khai thác hết hạn ngạch xuất khẩu gạo vào EU. Nguyên nhân khiến các sản phẩm gạo của Việt Nam khó vào thị trường này là do nguồn nguyên liệu chưa đạt các tiêu chí theo các quy định của EU đưa ra, cụ thể là các ngưỡng giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo Quy định 396/2005.

“Yêu cầu của các nước châu Âu rất cao, cần phải giải mã DNA, để kiểm tra xem có biến đổi gen (GMO), có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật hay không?... Do đó, để có thể tiếp cận thị trường này, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo, đầy đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc, về kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong toàn bộ chuỗi sản xuất, chế biến, bảo quản, để có gạo chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường này. Điều này sẽ góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, nâng cao giá thành xuất khẩu, nâng cao lợi nhuận cho người nông dân” - GS.TS Nguyễn Thị Lang thông tin.

Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam

Bởi hạn chế về chất lượng, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu gạo thô cho các doanh nghiệp  nước ngoài về đóng gói và dán nhãn mác thương hiệu công ty của họ, mà chưa gây dựng được thương hiệu riêng.

Để khắc phục được những vấn đề trên, các doanh nghiệp ngành gạo cần phát huy tính chủ động: chủ động về giống, chủ động về vùng nguyên liệu, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những năm gần đây, Việt Nam đã đưa một số giống gạo chất lượng cao đi thi và cũng được giải cao. Hiệu ứng “Top 3 gạo ngon nhất thế giới” ST24 và “Gạo ngon nhất thế giới” ST25 cuối năm 2019, gạo ngon nhì thế giới năm 2020 đã khẳng định phẩm chất, chất lượng và giúp gạo Việt Nam được “nhớ mặt, đặt tên” trên thị trường gạo thế giới. Nhờ đó giá loại gạo này cũng tăng cao, bình quân giá gạo ST25 trong 5 tháng đầu năm 2022 lên đến 1.064 USD/tấn, gấp đôi so với giá xuất khẩu gạo trắng thông thường. Mức giá này cũng cao hơn mức giá xuất khẩu trung bình 983 USD/tấn của gạo Basmati của Ấn Độ và chỉ thấp hơn mức giá 1.082 USD/tấn của gạo Thái Hom Mali.

Ngoài gạo ST24, ST25, Việt Nam cũng có rất nhiều giống lúa gạo đặc sản, có phẩm chất cao như: gạo Jasmine, gạo thơm lài, gạo Nàng Hoa, gạo Tài Nguyên Chợ Đào, gạo Japonica... GS.TS Nguyễn Thị Lang cũng cho biết, các nhà khoa học trong Viện của bà đang nghiên cứu và phát triển giống lúa dành riêng cho người tiểu đường. Hiện giống lúa này đã được gửi qua Bỉ để phân tích phẩm chất và chứng nhận.

Có thể thấy, Việt Nam không thiếu những giống lúa ngon, chất lượng tốt để tiếp cận những thị trường phân khúc cao cấp.

Tuy nhiên, để đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường này đòi hỏi các doanh nghiệp phải phát triển những vùng nguyên liệu đạt chuẩn để phục vụ xuất khẩu. Không chỉ là khoanh vùng, đặt hàng với nông dân mà cần hướng dẫn nông dân sản xuất lúa xuất khẩu. Cụ thể là hướng dẫn sản xuất lúa giống thuần mỗi năm và quản lý sản xuất từ gieo hạt đến thu hoạch, tồn trữ cho đúng tiêu chuẩn gạo xuất khẩu. Các doanh nghiệp cũng cần tổ chức hệ thống thu mua, tiêu thụ lúa gạo hữu hiệu để giảm khâu trung gian, tăng lợi nhuận cho nông dân nhằm xây dựng nền sản xuất bền vững.

Trong hoạt động xây dựng thương hiệu tại các thị trường quốc tế, bên cạnh các kênh truyền thông, doanh nghiệp cũng có thể marketing, quảng bá sản phẩm và thương hiệu qua các hội thảo khoa học về lúa gạo.

“Nhà khoa học và doanh nghiệp cần “nắm tay nhau” tới các hội thảo khoa học để trao đổi, nắm bắt thông tin, công nghệ và quảng bá sản phẩm” - GS.TS Nguyễn Thị Lang chia sẻ.

Bà cho biết khi tham gia các hội thảo khoa học quốc tế, bên cạnh các đại diện nhà khoa học, cũng có rất nhiều doanh nghiệp Thái Lan, Ấn Độ cùng tới tham dự.

“Ở trên là một nhà khoa học nhưng ở dưới là mấy chục người doanh nghiệp đi theo vừa ủng hộ, vừa nghe ngóng, vừa tiếp thị và quảng cáo”. Khi nghe GS.TS Nguyễn Thị Lang quảng bá về một giống lúa chịu ngập, chịu mặn, nhận thấy tiềm năng phát triển của giống lúa, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham dự hội thảo đã nhanh chóng liên hệ, giành cơ hội đặt hàng, trong khi đó các doanh nghiệp Việt Nam không tham dự, không biết.

Nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam

Song song với mục tiêu chuyển đổi cơ cấu xuất khẩu gạo từ phân khúc trung bình sang đẩy mạnh xuất khẩu những loại gạo ngon chất lượng cao, việc phát triển các sản phẩm chế biến sâu cũng là một giải pháp góp phần nâng cao giá trị hạt gạo.

Chia sẻ câu chuyện một tập đoàn của Mỹ đặt hàng Viện Nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao đồng bằng sông Cửu Long phát triển giống lúa giàu dinh dưỡng để nghiền thành bột đưa vào các sản phẩm ăn dặm cho trẻ em, GS.TS Nguyễn Thị Lang nhấn mạnh “cần phải có chế biến sâu nữa”.

Bên cạnh các sản phẩm truyền thống như bún, miến, bánh phở còn có thể tạo ra thức uống từ gạo, tinh dầu, cám gạo sử dụng trong chăm sóc sức khỏe, hoặc tách chiết protein để chiết xuất nguyên liệu cho chế biến thực phẩm, thậm chí là các loại mỹ phẩm từ gạo... đang được người tiêu dùng trên thế giới quan tâm và giá bán cũng cao hơn gấp nhiều lần so với gạo thô.

Xuất khẩu gạo là ngành kinh tế mũi nhọn còn nhiều tiềm năng và cơ hội tăng trưởng. Để gia tăng giá trị hạt gạo, mang lại lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và nông dân trồng lúa cần sự chung tay, liên kết giữa: Nhà nước – nhà khoa học – nhà doanh nghiệp –  nhà nông. Việc liên kết giữa bốn nhà phải theo nguyên tắc thị trường. Trong đó, doanh nghiệp cần phát huy tính chủ động trong xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu. Hy vọng trong thời gian tới ngành gạo Việt Nam sẽ có những bước đi vững chắc để Việt Nam không chỉ đứng đầu về sản lượng xuất khẩu, mà gạo Việt còn trở thành một thương hiệu nổi tiếng, hàng đầu trên thế giới.

Các loại gạo ngon như gạo Hom Mali của Thái Lan, gạo ST25 của Việt Nam… được vinh danh là “gạo ngon nhất thế giới” và là những loại gạo có giá trị cao, nhưng không phải là gạo đắt nhất thế giới. Vị trí “gạo đắt nhất thế giới” được ví như “trứng cá muối” của ngành gạo lại thuộc về gạo Kinmemai Premium (cung cấp bởi Toyo Rice Corporation, Nhật Bản). Gạo được đóng gói tinh tế trong hộp 6 gói, mỗi gói nặng 140gram. Giá bán lẻ mà bạn có thể mua trực tiếp từ website công ty là 155 USD/hộp, chưa tính phí vận chuyển từ Tokyo về Việt Nam.

Loại gạo ngon, chất lượng cao này là sự kết hợp của 5 giống gạo từng giành giải thưởng ở các tỉnh Gunma, Gifu, Kumamoto, Nagano và Niigata của Nhật Bản. Sự pha trộn gạo có thể thay đổi tùy theo từng năm, phụ thuộc vào chất lượng mỗi loại gạo, và Toyo Rice Corporation sẽ quyết định tỷ lệ phù hợp để Kinmemai đạt chất lượng cao nhất.

Gạo Kinmemai Premium thành phẩm được chia làm 2 loại: gạo trắng kinmemai better white và gạo lứt kinmemai better brown. Gạo có hương vị tươi mát và thanh nhẹ, độ ngọt cũng cao hơn những loại gạo thông thường. Đặc biệt, cơm được nấu từ gạo Kinmemai Premium có chứa lipopolysaccharides (LPS) – loại chất kích thích tự nhiên cho hệ thống miễn dịch của cơ thể cao gấp 6 lần các loại gạo khác.

Diệu Thuần

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật