• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành đường sắt Việt Nam ngày càng tụt hậu: Vướng mắc nằm ở đâu?

Các chuyên gia cho rằng cần làm rõ ai là người chịu trách nhiệm về vấn đề này, số tiền...

Cuối năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Năm 2021, các ngân sách đã chậm giải ngân 4 tháng, khiến ngành đường sắt phải kêu cứu vì nguy cơ phá sản.

Trao đổi với VTC News, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nêu nhận định: "Bộ Tư pháp với vai trò chủ trì phải có phương án trình Chính phủ để đưa ra một quyết định nhanh chóng, chấm dứt việc này. Không có lý do gì chỉ vì chuyển từ cơ quan quản lý này sang cơ quan quản lý khác mà lại không thể giải ngân nguồn vốn cấp bách đó nữa. Ngân sách có sẵn mà không thể giải ngân đó là sự vô trách nhiệm của các cơ quan liên quan".

Ngành đường sắt Việt Nam ngày càng tụt hậu: Vướng mắc nằm ở đâu?

"Dựa vào phân công, phân cấp của nhà nước, làm rõ xem ai là người chịu trách nhiệm để xử lý, điều chỉnh kịp thời. Vướng mắc này càng kéo dài thì cuối cùng không phải chỉ ngành đường sắt thiệt hại mà thiệt hại lớn nhất lại đổ lên đầu người dân. Thuế thì dân vẫn đóng mà cơ quan có thẩm quyền lại không dùng được tiền đó vào việc bảo trì đường sắt thì đó là trách nhiệm của nhà nước đối với dân", bà Lan nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế nhận định đường sắt là ngành hoàn toàn do nhà nước nắm và chắc chắn phải có nguồn vốn để bảo trì hàng năm để tránh rủi ro. Ngành đường sắt đang rất cần ngân sách để nâng cấp, cải thiện để cạnh tranh với các phương tiện giao thông khác. Việc không bảo trì được chắc chắn càng khiến chất lượng đường sắt ngày càng thua kém.

Theo PGS. TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) - vướng mắc đang nằm ở cơ chế hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ngành đường sắt Việt Nam quá cũ kỹ, lạc hậu, thiếu đột phá. "Chỉ việc giao vốn để bảo trì hạ tầng đã ì ạch như trên cho thấy hiệu năng, hiệu lực của nền hành chính - công vụ gặp vấn đề nghiêm trọng", ông Long nhận định

Cuối năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 10506, truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và Bộ Tài chính có ý kiến về pháp lý, báo cáo Thủ tướng. Tiếp tục, ngày 4/2, Văn phòng Chính phủ lại ban hành công văn số 908 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.

Công văn nêu rõ: "Yêu cầu Bộ GTVT tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp". Trước đó, Bộ Tư pháp kết luận rằng: "Bộ GTVT giao dự toán quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức thực hiện" là không trái với các quy định của pháp luật hiện hành, đồng thời không phải giao qua các khâu trung gian không cần thiết, làm chậm tiến độ thực hiện nhiệm vụ".

Đến ngày 24/3 Văn phòng Chính phủ lại phải ban hành thêm một công văn nữa (số 1956) tiếp tục truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Yêu cầu Bộ GTVT nghiêm túc thực hiện ý kiến chỉ đạo tại văn bản số 908 ngày 4/2, khẩn trương tiếp thu đầy đủ ý kiến của Bộ Tư pháp tại văn bản số 193 ngày 22/1, hoàn thiện đề án quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư, trình Thủ tướng xem xét, quyết định".

"Trong câu chuyện này, rõ ràng vai trò của Bộ Giao thông Vận tải là chủ chốt, cần giải quyết từ phía bộ này. Có tiền mà không giải ngân và chi tiêu được, trong khi tình hình ngày càng tồi tệ, liên đới biết bao tổ chức, cá nhân, người lao động. Điều này là không thể chấp nhận, thậm chí phải xử lý nghiêm", chuyên gia nêu ý kiến.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) mới đây có văn bản kiến nghị khẩn đến Thủ tướng liên quan việc xây dựng Đề án án quản lý, sử dụng, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư và việc giao nguồn quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. Các vướng mắc về kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia 2021 vẫn chưa được giải quyết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. 20 công ty thực hiện nhiệm vụ bảo trì hạ tầng đường sắt quốc gia hiện chưa có kinh phí để mua vật tư đưa vào công trình, chi thường xuyên và đặc biệt là trả lương cho người lao động 4 tháng đầu năm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 25.000 lao động trong VNR.

VNR mới chỉ chuyển phần doanh nghiệp sang Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, còn kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn do Bộ GTVT quản lý, ngân sách bảo trì đường sắt vẫn do Bộ GTVT phụ trách tiếp nhận.

Bộ GTVT không thể giao vốn trực tiếp cho VNR quản lý nên đã trình Chính phủ đề xuất giao dự toán kinh phí bảo trì cho Cục Đường sắt Việt Nam. Tuy nhiên VNR cho rằng đề xuất của Bộ GTVT sẽ phá vỡ tính thống nhất giữa các hoạt động quản lý, bảo trì với công tác đảm bảo an toàn chạy tàu và kinh doanh vận tải đường sắt, làm triệt tiêu động lực của ngành; tạo ra nhiều cấp trung gian quản lý, nhiều thủ tục hành chính trong việc quản lý, bảo trì, khai thác tài sản, gia tăng giấy phép con.

Năm 2019, Bộ Tài chính chấp thuận trước thời điểm bàn giao nên VNR vẫn tiếp tục thực hiện và không xảy ra vướng mắc gì. 

Năm 2020, vốn không được giao sớm khiến doanh nghiệp thông báo nguy cơ phải dừng chạy tàu do không có tiền bảo trì. Vụ việc chỉ được tháo gỡ khi thực hiện nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ ban hành nghị quyết số 41 (ngày 9/4) giao Bộ GTVT dự toán ngân sách bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia năm 2020 cho VNR.

Năm 2021, Bộ GTVT không chịu giao vốn cho VNR nữa mà giao cho Cục Đường sắt Việt Nam là cơ quan quản lý nhà nước thuộc bộ. Cụ thể là  mời 20 doanh nghiệp quản lý, bảo trì đường sắt lên để giao vốn nhưng các doanh nghiệp từ chối nhận. Xin được nói thêm, các doanh nghiệp này đều là công ty con của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Thanh Mai

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật