• :
  • :
Chi tiết tin tức
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngày 18/1, mở lại phiên xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng

Ngày 18/1, TAND TP. Hà Nội sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương...

Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội vừa quyết định ngày 18/1 tới sẽ mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" xảy ra tại Bộ Công Thương và TP.HCM.

Theo dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong 1 tuần.

 Bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm tại một phiên tòa. Ảnh: TTXVN
 Bị cáo Vũ Huy Hoàng và đồng phạm tại một phiên tòa. Ảnh: TTXVN

Cùng ra tòa với cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (sinh năm 1953) còn có 9 đồng phạm, gồm: Phan Chí Dũng (sinh năm 1957, nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương), Nguyễn Hữu Tín (sinh năm 1957, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP.HCM), Lâm Nguyên Khôi (sinh năm 1955, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM), Đào Anh Kiệt (sinh năm 1957, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Lê Văn Thanh (sinh năm 1962, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP.HCM).

Ngoài ra còn có Lê Quang Minh (sinh năm 1957, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM), Nguyễn Thanh Chương (sinh năm 1974, nguyên Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban Nhân dân TP.HCM), Trương Văn Út (sinh năm 1970, nguyên Phó Trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Nguyễn Lan Châu (sinh năm 1975, nguyên chuyên viên Phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM).

Bị cáo Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo quy định tại Điều 219, khoản 3-Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tám bị cáo còn lại bị Viện Kiểm sát truy tố về tội " Vi phạm các quy định về quản lý đất đai " theo quy định tại Điều 229, khoản 3, điểm b- Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tại phiên xử ngày 7/1 được mở trước đó đã vắng mặt 3 bị cáo là: Nguyễn Hữu Tín, Nguyễn Thanh Chương và Lê Văn Thanh. Ngoài ra, đại diện Giám định viên Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng nhiều người liên quan, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng vắng mặt. Trong tổng số 21 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo, có 1 người vắng mặt.

Hội đồng xét xử cho rằng việc vắng mặt 3 bị cáo trên là không có lý do chính đáng; nhiều người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, giám định viên… vắng mặt không có lý do.

Xét thấy sự vắng mặt này sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án nên Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa.

Đồng thời, Hội đồng xét xử cũng yêu cầu cơ quan tố tụng có liên quan tiếp tục trích xuất và tống đạt, yêu cầu các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt đầy đủ trong phiên tòa được mở lại.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng CTCP Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn ( Sabeco ) được giao cho khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng (phường Bến Nghế, Quận 1, TP.HCM).

Quá trình quản lý Sabeco, Vũ Huy Hoàng và Phan Chí Dũng đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới thực hiện các thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng khu đất này để thành lập Công ty liên doanh Sabeco Pearl cùng với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư thực hiện Dự án "Xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, hội thảo và văn phòng cho thuê."

Sau khi góp vốn liên doanh xong, các bị cáo đã tích cực chỉ đạo Sabeco thoái vốn, chuyển quyền quản lý tài sản của Nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn cho Nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

(Nguồn: TTXVN)

HOÀNG ANH

Tin nên đọc

Tin cùng chuyên mục

Chưa có bài viết nào

Tin mới nhất

ĐỌC NHIỀU NHẤT

Tin nổi bật